Đó là câu hỏi mà Nguyễn Chí Thuận đã đặt ra không dưới một lần. Cuộc đời Gần 15 năm vật lộn với bệnh tật, thậm chí đối mặt với cái chết, nhưng tất cả những điều đó không làm anh từ bỏ khát vọng được học tập, làm việc và sáng tạo bằng tất cả sức lực của mình.
Cánh cửa cuộc đời khép dần trước mắt
Sinh năm 1979 trong một gia đình nông dân, quê ở Hoài Đức, Hà Tây, từ bé Thuận đã yêu thích những công việc có tính sáng tạo và mong muốn trở thành một kiến trúc sư. Nhưng năm lớp 8, mọi ước mơ và hoài bão của Thuận tan vỡ khi trong cùng một năm cha Thuận qua đời và Thuận bắt đầu những triệu chứng của căn bệnh viêm dây cột sống dính khớp.
Căn bệnh khiến anh đi lại, cử động vô cùng khó khăn với những cơn đau hành hạ hàng ngày. Thương đứa con nhỏ thông minh, mẹ Thuận đã cõng anh đi đến các bệnh viện lớn của Hà Nội, từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Xô… đến bệnh viện Y học cổ truyền. Ở bệnh viện nào các bác sĩ cũng trả lời: căn bệnh này không có khả năng chữa khỏi, y học chỉ có thể làm chậm sự phát triển của nó mà thôi! Điều này có nghĩa là Thuận sẽ phải sống suốt phần đời còn lại cùng những cơn đau bệnh tật dày vò.
Cuộc đời đặt cậu trò nhỏ trước một thử thách khắc nghiệt! Nhưng cậu không buông xuôi. Thuận đã quyết tâm cùng chung sống với căn bệnh quái ác. Cậu vẫn tiếp tục đi học, và còn học hăng say hơn bởi cậu nghĩ rằng thời gian sống của mình chẳng còn dài, cậu phải chạy đua với nó.
Năm 1997, khi đang học lớp 12, bệnh của Thuận phát tác nặng hơn, anh phải nằm liệt giường. Thuận nghỉ học vì lúc này đến việc tiếp tục sống còn khó nói gì đến đi học. 7 năm tiếp theo là chuỗi ngày dài đen tối trong cuộc đời Thuận nhưng cũng là những năm tháng mà nghị lực chống chọi bệnh tật của anh khiến người khác phải khâm phục. Thuận kiên trì tập luyện bên cạnh các biện pháp chữa trị và dần đi lại được. Trong khi nằm trên giường bệnh, phương tiện duy nhất để anh thu nhận kiến thức từ thế giới bên ngoài là chiếc ti vi nhỏ. Những lúc dò dẫm được vài bước, Thuận sang nhà hàng xóm mày mò trên chiếc máy vi tính. Chính thời gian này, Thuận khám phá ra rằng mình vẫn có thể theo đuổi niềm đam mê sáng tạo cùng chiếc máy vi tính. Từ đó, Thuận khẳng định hướng đi tiếp của cuộc đời mình: trở thành một lập trình viên.
Sau 7 năm chữa trị, Thuận tiếp tục xin đi học lại lớp 12 nhưng đã quá tuổi. Anh xin vào một trường bổ túc, tự ôn thi đại học và đã đỗ vào khoa công nghệ thông tin của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với 23,5 điểm, thừa 0,5 điểm so với điểm chuẩn của trường năm ấy. Giờ Thuận đang là sinh viên năm thứ 2.
Có lẽ, điều may mắn nhất của Thuận là bên cạnh anh luôn có những người bạn đồng hành tin cậy. Đó là các sinh viên cùng làng đã giúp đỡ anh những ngày đầu lên Hà Nội trọ học và hiện giờ vẫn chia sẻ với anh chiếc máy tính của họ để anh học lúc ở nhà. Đó là Khang, người bạn cùng lớp đã đưa đón Thuận đi học suốt hai năm qua và luôn coi Thuận như một người anh trai của mình. Đó là Quỹ học bổng Đồng hành đã gửi tới anh suất học bổng giúp anh vơi bớt khó khăn.
Giờ đây, Thuận lại có thêm một người bạn đồng hành nữa, trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech. Với học bổng khoá Lập trình viên Quốc tế (CPISM) trung tâm vừa trao tặng ngày 22/6/2006, hi vọng, Thuận sẽ được chắp thêm đôi cánh nhỏ để đạt tới ước mơ trở thành lập trình viên của mình.
Cùng Nguyễn Thanh Tùng (một học sinh mất cả hai tay mới được nhận học bổng khoá học Lập trình viên Quốc tế tại trung tâm), Nguyễn Chí Thuận là một thành viên đáng khâm phục nữa lớp Lập trình viên Quốc tế ACCP C0606L, của “gia đình Aptech”.
Các bạn sẽ trả lời thế nào khi có người hỏi: “Bạn sẽ làm gì khi cánh cửa cuộc đời khép dần trước mắt?”. Còn chúng tôi, chúng tôi đã biết câu trả lời, đó là đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy tự mở cánh cửa cuộc đời mình và giúp người khác mở rộng cánh cửa cuộc đời họ.