Hai năm trở lại đây, số lượng thí sinh bỏ thi đại học để đi học những ngành có thời gian học ngắn hơn mà sớm có việc làm tăng đáng kể. Năm 2016 tính riêng khu vực Hà Nội đã có hơn 16.000 thí sinh chỉ xét tuyển tốt nghiệp (tăng hơn 5.000 so với năm 2015).
Bỏ thi đại học chọn trường nghề
Theo thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo, năm nay, một phần ba số học sinh thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ 32%, trong khi năm trước chỉ 28%. Còn số thí sinh tự do (đã thi tốt nghiệp những năm trước) xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là 81.770, tương đương 9%, trong khi năm ngoái đến 13%.
Là một trong những thí sinh không chọn xét tuyển đại học, cao đẳng, Đặng Tuấn Nam (học sinh lớp 12 trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội) cho biết vừa hoàn thành thủ tục nhập học ở cơ sở Đào tạo Lập trình viên Aptech Ấn Độ tại 285 Đội Cấn. Nam thích ngành Công nghệ Thông tin từ nhỏ và cũng học rất khá các môn tự nhiên. Vì muốn rút ngắn thời gian học để đi làm giúp đỡ gia đình nên cậu chọn đi học nghề thay vì xét tuyển vào đại học.
Để đưa ra quyết định này, Nam và gia đình đã tính toán rất kỹ. Theo Nam, mức học phí đại học trung bình khoảng 5 triệu đồng mỗi học kỳ ở trường công và trên chục triệu ở trường tư hoặc trường tự chủ tài chính, ngoài ra chi phí ăn ở mỗi tháng cũng khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi nhẩm tính, nếu học xong 4 năm đại học, gia đình Nam phải chi ra hàng trăm triệu.
Trong khi đó, nếu học nghề, khoản chi phí này rút xuống đáng kể, vì tổng học phí khóa học 2 năm rưỡi là 65 triệu, thời gian đi học cũng rút ngắn nên Nam sẽ tiết kiệm khoản tiền lớn.
“Hiện nhà tuyển dụng thường không để ý nhiều đến bằng cấp nữa mà chú trọng vào hiệu quả công việc.Học nghề sẽ được đào tạo thực tế nên tốt nghiệp tôi có thể làm việc được luôn. Chưa kể tôi ra trường sớm hơn năm rưỡi nên có kinh nghiệm làm việc tốt hơn”, Nam phân tích.
Tính toán là vậy, nhưng Nam cũng mất rất nhiều thời gian để thuyết phục gia đình bởi bố mẹ thí sinh này cho rằng tấm bằng đại học có giá trị hơn, việc học nghề chỉ trong 2,5 năm cũng sẽ thiếu nhiều kiến thức quan trọng so với chương trình đại học 4 năm. Các trường nghề không dạy môn đại cương mà đi thẳng vào đào tạo 31 môn chuyên ngành nên tiết kiệm thời gian, lượng kiến thức vẫn đảm bảo.
Có quyết định táo bạo hơn, Đặng Văn Ngọc nghỉ ngang đại học để học nghề. Chương trình đại học quá nặng lý thuyết, mang tính hàn lâm, phải học nhiều môn đại cương, không được thực hành nhiều là những lý do khiến Ngọc chán nản sau một năm theo học.
“Tôi cho rằng học ở đâu không quan trọng bằng việc mình học những gì. Trong công việc chỉ có năng lực và kỹ năng làm việc thực tế mới giúp người lao động cạnh tranh và phát triển được. Tôi không cảm thấy hối tiếc khi rời giảng đường đại học”, Ngọc tâm sự.
Còn từ góc nhìn của một nhà tuyển dụng, bà Trần Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Nhân sự một chi nhánh của công ty phần mềm Nhật Bản tại Việt Nam cho biết sẽ ưu tiên những ứng viên có kỹ năng làm việc tốt chứ không phải bằng cấp cao. Theo bà Thủy, công ty đã liên kết với các đơn vị dạy nghề để đào tạo nhân sự vì thời gian đào tạo rút ngắn và học viên học ở đây đều có kỹ năng làm việc thực tế. Các trung tâm nghề dạy những cái mà doanh nghiệp cần, vì vậy, doanh nghiệp không mất thời gian đào tạo lại.
“Khi hoạt động tại Việt Nam, Aptech cam kết tháo gỡ bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công nghệ thông tin và quan trọng hơn cả là tạo dựng một nghề đảm bảo tương lai vững chắc cho các bạn trẻ”, ông Chu Tuấn Anh – Hiệu trưởng trường Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech chia sẻ.
Xã hội ngày càng phát triển, quan niệm về bằng cấp cũng thay đổi theo hướng cất bằng cấp ảo mà chuyển sang học thật, làm việc thật vì suy cho cùng để xã hội tiến bộ thì cần những “bàn tay vàng” hơn là những “ông thầy” chỉ giỏi lý thuyết.
Theo VnExpress: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/ly-do-nhieu-sinh-vien-chon-hoc-nghe-3428831.html