“Blended Learning”, tạm dịch là đào tạo hỗn hợp, là phương pháp đào tạo lập trình viên tiên tiến, được ứng dụng phổ biến trong giáo dục hiện đại. Đây là phương pháp tăng cường kỹ năng thực hành của người học.
Blended Learning không mới
Phương pháp đào tạo hỗn hợp không phải là khái niệm mới. Về bản chất, phương pháp này gắn liền việc truyền đạt lý thuyết với thực hành giúp người học tiếp thu bài tốt hơn và nâng cao kỹ năng ứng dụng các kiến thức trong thực tế. Với sự tiến bộ của CNTT, giảng viên có điều kiện sử dụng các phương tiện Đa truyền thông như website trực tuyến, đoạn video, các file hiệu ứng hình ảnh… hỗ trợ tối đa cho bài giảng và biến nó thành một phần của chương trình. Phương pháp này không những giúp tăng tính thực tiễn cho bài học mà điều quan trọng là nó tăng tính tương tác trong lớp học vì lập trình viên có thể trực tiếp thực hành, làm bài thi, trao đổi, thảo luận… bằng chính những phương tiện Đa truyền thông này.
Tại Việt Nam, phương pháp học tập này đã bắt đầu được ứng dụng trong một số lĩnh vực với những tên gọi khác nhau như phương pháp học lồng ghép, phương pháp học kết hợp. Tuy nhiên nó vẫn chưa được áp dụng phổ biến vì yêu cầu phải có một nền tảng hạ tầng CNTT tốt và mức độ đầu tư khá cao.
Trao đổi với Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech (285 Đội Cấn, Hà Nội), một trong những đơn vị đào tạo nghề Công nghệ Thông tin mới công bố áp dụng chương trình Đào tạo Lập trình viên Quốc tế ACCPi7.1 (chương trình cập nhật các công nghệ mới nhất của các hãng phần mềm lớn trên thế giới) có áp dụng 2 phương pháp đào tạo “Blended Learning” và “Project-Based Training” được biết: tại Aptech, phương pháp Blended Learning tổng hợp 2 phương pháp: Instructor Led Training (giảng viên trình bày và hướng dẫn) và Computer-Based Training (đào tạo trên máy tính).
Theo Aprotrain-Aptech, để áp dụng được phương pháp đào tạo này từ năm 2007, bộ phận nghiên cứu và phát triển đào tạo của tập đoàn Aptech đã chuẩn bị trong thời gian rất lâu trước đó. Một lượng lớn các chuyên gia đồ hoạ và lập trình đã làm việc liên tục để thực hiện việc chuyển đổi các bài giảng từ dạng văn bản (dạng text) sang dạng hình ảnh và đồ hoạ (image, flash…), đồng thời thiết lập các khung lập trình để học viên thực hành (demo) ngay các kiến thức đang học trên máy tính. Và nội dung chương trình sẽ liên tục được cập nhật trong quá trình học.
Ông Lê Hồng Hải – Giám đốc đào tạo trung tâm cho biết trong quá trình chạy thử nghiệm phương pháp đào tạo này, giờ học sinh động hơn nhờ các hiệu ứng hình ảnh, đồ hoạ. Đặc biệt là kỹ năng thực hành của học viên gia tăng đáng kể do tính tương tác giữa các thành viên trong lớp cao và kết quả của học viên được đánh giá trực tiếp qua từng bài thực hành chứ không phải chờ đến bài thi hểt môn.
Đào tạo lập trình viên theo yêu cầu
Ngoài kỹ năng thực hành, để học viên thực sự bắt nhịp được môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp, đào tạo CNTT phải ứng dụng mô hình đào tạo theo dự án – Project-Based Training vì hiện nay, các công ty phần mềm đều ứng dụng mô hình quản lý phổ biến này.
Phương pháp đào tạo này áp dụng trong suốt quá trình học. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, học viên sẽ phải học các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp như khả năng teamwork, giao tiếp, thuyết trình. Và quan trọng nhất là nắm được các tiêu chuẩn, quy ước trong việc lập tài liệu lập trình, tài liệu kỹ thuật, quy trình sản xuất phần mềm – Đây là điểm yếu khá phổ biến của các lập trình viên Việt Nam.
Chương trình đào tạo nghề của Aptech kéo dài trong 2 năm. Trong thời gian đó, người học phải thực hiện 4 dự án, trong đó có 3 dự án được giao việc và đánh giá bởi các chuyên gia nước ngoài nằm trong hệ thống toàn cầu của Aptech (eProject). Việc phân chia này đảm bảo cho học viên bắt nhịp được phương thức làm việc theo các dự án phần mềm trong nước và các dự án gia công phần mềm của nước ngoài (outsourcing). Như vậy là cứ trung bình 6 tháng, học viên sẽ phải thực hiện một dự án.
“Phương châm của chúng tôi là đào tạo nhân lực đáp ứng với nhu cầu nhân lực của thị trường CNTT. Với thời gian học rút gọn, ngoài việc sắp xếp hợp lý nội chương trình, đào tạo những công nghệ cập nhật của thị trường, chúng tôi phải kết hợp các phương pháp đào tạo khoa học. Mặc dù mỗi lần triển khai phương pháp mới đòi hỏi sự đầu tư khá lớn như thiết bị máy móc, tập huấn giảng viên nhưng việc đảm bảo chất lượng đầu ra cho học viên vẫn là ưu tiên số một” – ông Chu Tuấn Anh, giám đốc Aprotrain-Aptech chia sẻ.
PV