Ấn Độ hiện đang là nước đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam – Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực Công nghệ, sẽ là một bước tiến vượt bậc giúp Việt Nam hội nhập với làn sóng mạnh mẽ này.
Ấn Độ chuẩn bị cho CMCN 4.0 ra sao ?
Với vai trò là nước đông dân nhất nhì thế giới cũng như đứng thứ 2 toàn cầu về số lượng nhà khoa học, kỹ sư, cùng với những sự chuẩn bị đầy đủ của nước này về công nghệ khiến Ấn Độ sẵn sàng trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong sự thay đổi công nghệ vào thập niên tới. Chính phủ Ấn Độ không chỉ tăng cường ứng dụng những kỹ thuật mới mà còn cố gắng giảm thiểu các tác động tiêu cực của sự thay đổi với xã hội đến mức nhỏ nhất nhằm đảm bảo mọi người đều có thể hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghệ.
Để làm được điều đó, chính phủ Ấn Độ đã cộng tác với những công ty công nghệ hàng đầu, các Viện công nghệ, những tổ chức giáo dục, các đoàn thể xã hội cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác nhằm thiết kế, vận hành thử cũng như mở rộng các quy định, chính sách, tiêu chuẩn, hướng dẫn về cuộc CMCN 4.0.
Trong bối cảnh nền kinh tế nước này không ngừng vươn lên mạnh mẽ, việc đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam – Ấn Độ trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ góp phần đưa quan hệ song phương của 2 nước lên tầm cao mới.
Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Ấn Độ
Việt Nam và Ấn Độ có chung tầm nhìn cũng như phương pháp tiếp cận về kinh tế. Trong những năm qua, nhờ sự hợp tác giữa hai nước, Ấn Độ đã đào tạo cho hơn 1.000 cán bộ Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực. Đại sứ quán Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ và tiếp nhận những sáng kiến để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Trong tương lai, hai nước có thể hợp tác trong các lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT), nền kinh tế số, năng lượng tái tạo, y tế, hàng không dân dụng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể hợp tác trong một số chương trình mang thương hiệu Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ cũng muốn học hỏi từ Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, du lịch…
Ấn Độ là một trong những quốc có nền CNTT phát triển mạnh nhất thế giới, đã hỗ trợ cho Việt Nam từ rất sớm. Ngay từ năm 1999, Ấn Độ đã giúp đỡ Việt Nam phát triển nhân lực CNTT chất lượng cao thông qua việc triển khai chương trình Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech.
Những hỗ trợ của Ấn Độ cho ngành CNTT tại Việt Nam tại thời điểm đó mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vào giai đoạn 1990-2000, khi Internet mới du nhập, nền công nghiệp phần mềm còn rất non trẻ và sơ khai, Việt Nam mới mò mẫm những bước đi đầu tiên để xây dựng ngành CNTT. Khi đó Việt Nam chưa có những nền tảng cơ bản về đào tạo, thiếu chuyên gia, thiếu tài liệu giáo trình chuẩn. Bức tranh CNTT trên thế giới chưa được nhìn nhận tổng quát: công nghệ nào đang áp dụng, cần cập nhật những gì… Quan trọng nhất là phương pháp đào tạo, chưa ai nắm rõ cần dạy CNTT như thế nào cho hiệu quả.
Mô hình giảng dạy của Aptech giúp sinh viên tiếp cận các công nghệ mới hiệu quả hơn
Sau 20 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam (2009 – 2019), mới đây Tập đoàn Aptech đang phối hợp với Bộ GD&ĐT Việt Nam tổ chức đào tạo công nghệ 4.0 cho giảng viên các trường Đại học, nhằm giúp Việt Nam xây viên gạch đầu tiên cho nền móng của nguồn nhân lực phục vụ CMCN 4.0. Phát biểu tại Hội thảo Giải pháp đào tạo nhân lực CNTT cho CMCN 4.0 diễn ra tại Hà Nội ngày 3/7/2019, Phó Đại sứ quán Ấn Độ – ông Rajesh Uike phát biểu: “Tập đoàn Aptech Việt Nam đào tạo ra hơn 100.000 nhân lực CNTT trình độ cao. Điều tuyệt vời là Aptech đã mang công nghệ hàng đầu của Ấn Độ sang để hỗ trợ Việt Nam, cùng phối hợp với các trường Đại học, giúp sinh viên Việt Nam có cơ hội tiếp phát triển trong CMCN 4.0.”
Ông Phạm Thế Trường, CEO Microsoft Việt Nam, bày tỏ suy nghĩ: “Aptech đang tiên phong trong việc áp dụng phương pháp giáo dục đổi mới và dịch chuyển sao cho phù hợp thế giới”
Tại Hội thảo, ông Chu Tuấn Anh – Giám đốc Hệ thống Đào tạo Hệ thống Lập trình viên Quốc tế Aptech phát biểu: “Đứng trước thời cơ lớn của CMCN 4.0, các trường Đại học có thuận lợi tuyệt vời khi nhận được những hỗ trợ của các Tập đoàn Quốc tế để cập nhật công nghệ mới, tăng cường đào tạo kỹ năng cho sinh viên, từ đó đáp ứng được nhu cầu nhân lực của CMCN 4.0. Quan trọng là các trường Đại học cần cởi mở hợp tác để chủ động tận dụng những hỗ trợ đó.”
Những định hướng hỗ trợ của Ấn Độ – cụ thể là tập đoàn Aptech – cho lĩnh vực CNTT tại Việt Nam góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo được nguồn nhân lực IT chất lượng cao, đem lại hiệu quả nhanh chóng và giúp Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với làn sóng 4.0.