Đồng hành cùng sự phát triển rộng rãi của smartphone, các nhà kinh doanh luôn chú trọng chuyển hóa các sản phẩm web sang định dạng mobile để có thể dễ dàng tiếp cận được người dùng. Chính xu hướng mobile hóa đã và đang biến ngành lập trình Mobile App sang trang mới với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Những con số biết nói
Theo con số thống kê từ VietnamWorks, trong năm 2015, thị trường tuyển dụng cần đến 418 công việc liên quan đến lĩnh vực Mobile với mức lương từ $754 – $1,564, đứng thứ 3 trong ngành CNTT sau Web và Java. Không những thế, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực Mobile cuối tháng 9/2015 tăng 40%, dẫn đầu trong ngành CNTT. Những con số ấy phần nào nói lên được tương lai thịnh vượng của mảng Mobile và những ứng dụng kèm theo, trở thành con gà đẻ trứng vàng giới công nghệ.
Cuộc đua smartphone
Vào tháng 6/2007, hệ điều hành iOS ra đời dành cho iPhone đã đánh dấu và mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển ngành nội dung số. Đến tháng 10/2008, Liên minh thiết bị cầm tay mở (Open Handset Alliance) phát hành chiếc điện thoại chạy Android đầu tiên trên máy HTC Dream. Lúc này, tại Việt Nam vẫn chưa có công ty nào làm về Android.
Giữa năm 2009, FPT bắt đầu nghiên cứu về Android và bắt đầu từ đây Việt Nam tiếp cận đến lĩnh vực này. Có thể nói, Việt Nam và thế giới cũng một xuất phát điểm về mảng di động và tính đến nay, ngành Mobile Việt đứng đầu Đông Nam Á vượt qua Indonesia và Singapore.
Trong những năm gần đây, các ứng dụng Mobile đang ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng được người dùng trong và ngoài nước ủng hộ: Flappy Bird (của Nguyễn Hà Đông), Freaking Math, Wifi Chùa (Nguyễn Lương Bằng), Money Lover (Ngô Xuân Huy)…
Thị trường Việt làm Mobile Việt
Hiện nay, những công ty chuyên làm về Mobile App tại Việt Nam có thể kể đến:
– Lazada, 2359 Media, Foody, Grab Taxi, Giao Hàng Nhanh;
– Công ty chuyên về phần cứng lẫn phần mềm: Misfit, Viettel, BKAV…;
– Công ty outsourcing: FPT, CSC, Global Cybersoft, Harvey Nash…;
Đứng dưới góc độ chuyên gia nhiều năm trong nghề, anh Trần Vũ Tất Bình – Lead Android Developer chia sẻ trong workshop “Một ngày làm lập trình Mobile App” về khía cạnh thực tế của các công ty làm việc trong lĩnh vực này như sau: “Đằng sau sự thành công hay thất bại của những công ty nước ngoài vào Việt Nam là cả một câu chuyện dài. Lấy ví dụ về Tập đoàn phần mềm Atlassian, họ được xem là google tại Úc với lợi thế mạnh về phần mềm.
Quyết định mở rộng tại Việt Nam, nhưng sau 2 năm hoạt động họ buộc phải đóng cửa vì phá giá thị trường với mức lương tuyển dụng khá cao nhưng chất lượng lao động lại không đáp ứng đủ yêu cầu đưa ra. Về công ty Vinagame, họ khá thành công trong mảng phát hành Game. Song lại thừa nhận họ gặp khó khăn trong mảng Mobile, và đang trong quá trình tìm lại ánh hào quang trong lĩnh vực này. Hay công ty Anduino Việt Nam vừa mở ra, họ sẵn sàng trả thực tập sinh với mức lương $4.800, vì họ cho rằng kinh nghiệm làm việc không phản ánh được việc gì”.
Những mâu thuẫn trong ngành Mobile App
Thị trường nhân lực Mobile Việt được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá là không bình thường. Nếu ở các nước khác, lập trình viên bám trụ với nghề đến 50 – 60 tuổi thì tại Việt Nam chỉ vỏn vẹn vài năm. Phần lớn developer Việt không xem đây là nghề lâu dài, chỉ mang tính tuổi trẻ, nhất thời. Mong muốn tung ra những sản phẩm để đời, tạo bước nền rồi sau đó đi theo hướng khác. Chính điều này đã khiến nhiều người trăn trở cho tương lai ngành lập trình sau này sẽ không có những chuyên gia kỳ cựu để truyền nghề cho thế hệ mai sau.
Bên cạnh đó, nghề lập trình không cần kinh nghiệm. Nhà tuyển dụng chỉ chú trọng đến thái độ làm việc, sự cầu tiến, chăm thực hành và ham học hỏi. Bởi lẽ, lập trình Mobile App không mất thời gian mà vô cùng đơn giản. Chỉ cần tuân theo nguyên tắc“tiết kiệm tối đa tài nguyên” của thiết bị và “tiết chế có hiệu quả” các button cùng với một số lưu ý khác sẽ được đề cập tại các trường đào tạo thì có thể nắm viết được ứng dụng mong muốn.
Nhưng để ứng dụng của bạn sống lâu theo thời gian thì cần chú trọng đến trải nghiệm người dùng, điều mà các doanh nghiệp luôn cần từ ứng viên bên cạnh kiến thức nền vững chắc.
Theo như chia sẻ của anh Tất Bình về việc học: “Trước đây, tôi đã từng từ bỏ cơ hội tu nghiệp tại Singapore vì muốn theo đuổi Android. Để có được kiến thức như ngày hôm nay, tôi tìm đến các trung tâm chuyên dạy lập trình như Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech là một ví dụ điển hình. Khác với cách giảng dạy tại các trường đại học, bạn phải học những môn đại cương khô khan trước khi vào chuyên ngành.
Tại các trung tâm, tôi được học chuyên sâu một chuyên ngành cụ thể, được hướng dẫn trực tiếp, rút ngắn thời gian và tạo bước khởi đầu nhanh hơn tự nghiên cứu. Điều tôi rút ra sau ngần ấy thời gian là hãy chuyên tâm theo đuổi ngọn ngành những gì bạn thích. Chỉ cần bạn giỏi một lĩnh vực thì nó có thể nuôi bạn sống cả đời”.
Thiết kế UX/UI quyết định thành công trong Mobile App
Nếu thiết kế UI (User interface) chú trọng đến giao diện người dùng thì UX (User experience) lại quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm người dùng. Khi một sản phẩm ra đời, người dùng ngày nay có xu hướng chọn những ứng dụng bắt mắt, tiện ích, đơn giản và hiệu quả. Để thu hút được họ, nhà phát triển phải dựa vào thói quen và cách mà khách hàng sử dụng, cảm nhận về một hệ thống (sử dụng hệ thống thông qua UI).
Có một số lỗi cần tránh khi thiết lập một ứng dụng ra ngoài như sau:
– Cho rằng user là “chuyên gia” trong sản phẩm mà bạn cung cấp;
– Không tập trung vào nội dụng chính mà user cần;
– Thời gian đáp ứng chậm;
– Không hỗ trợ nhiều độ phân giải màn hình;
– Yêu cầu nhập dữ liệu quá nhiều;
Cũng trong workshop “Một ngày làm lập trình Mobile App”, anh Lương Bằng chia sẻ một số kinh nghiệm về vấn đề này: “Không phủ nhận UI là rất quan trọng nhưng thực tế UX mới chính là đích đến cho kết quả mà nhà cung cấp hệ thống mong đợi. Cho dù UI các bạn có đẹp bao nhiêu long lanh bao nhiêu nhưng gây khó khăn cho người sử dụng thì tác phẩm của các bạn sẽ bị lãng quên nhanh chóng.
Theo kinh nghiệm của tôi sau thời gian ra mắt sản phẩm, developer phải nghiên cứu kỹ hành vi người dùng; tập trung vào nội dung chính và không tham chi tiết; đơn giản hóa các bước và thường xuyên cập nhật những công nghệ mới, xu hướng mới vào sản phẩm”.