Sáng ngày 10/07/2007, Vòng chung khảo phần mềm sáng tạo của hội thi tin học trẻ không chuyên thành phố Hà Nội lần thứ 12 đã diễn ra tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên quốc tế Aprotrain – Aptech (285 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội). Trong đó, các thí sinh dự thi phần mềm sáng tạo thuyết trình và bảo vệ dự án phần mềm của mình trước ban giám khảo và người xem. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hội thi năm nay có nhiều nét đổi mới.
Tổng quan về cuộc thi tin học trẻ
Hội thi Tin học trẻ không chuyên thành phố Hà Nội 2007 là cuộc thi tin học thường niên dành cho học sinh các trường tiểu học, THCS và THPT do Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Bưu chính Viễn thông, Thành đoàn Hà Nội, Hội Tin học – Viễn thông Hà Nội và Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech phối hợp tổ chức. Hội thi cấp thành phố sẽ lựa chọn những thí sinh xuất sắc tham dự Hội thi Tin học trẻ không chuyên toàn quốc lần thứ XIII.
Các thí sinh sẽ tham dự 2 nội dung: thi kiến thức tin học chung và thi phần mềm sáng tạo. Trong đó, phần thi phần mềm sáng tạo sẽ được tổ chức thi sớm hơn so với phần thi chung. Sau vòng sơ loại, 20/34 phần mềm đã lọt vào vòng chung khảo. Mỗi thí sinh có 10 phút thuyết trình về sản phẩm, sau đó là thời gian phản biện các câu hỏi của hội đồng giám khảo và khán giả tham dự. 7 thí sinh của khối tiểu học, 10 của THCS và 3 của THPT đã hoàn thiện phần bảo vệ của mình.
Các sản phầm tham dự hội thi lần này đều thể hiện sự đầu tư công phu thời gian và nội dung. Điển hình như các phần mềm “Chơi cờ caro”, “Learning for you”, tác giả dành hàng năm trời để hoàn thiện, từ khâu lên ý tưởng, lập cơ sở dữ liệu, làm giao diện. Bạn Lê Đình Thắng, tác giả của phần mềm “Smart neo – dictionary” đã phải làm việc trong 9 tháng để hoàn thiện phần mềm của mình cho biết: “Năm ngoái em đã có sản phẩm tham dự hội thi và đạt giải. Nhờ đó, em đã rút được nhiều kinh nghiệm và ứng dụng để sản phẩm năm nay hoàn thiện hơn”. Phần mềm của Thắng là hệ thống từ điển thông minh, trong đó cập nhật dữ liệu các từ điển, một mình Thắng vừa làm vừa nhập liệu nên thời gian hoàn thiện sản phẩm lên tới 9 tháng.
Tuy nhiên, điểm nổi bật của Hội thi năm nay là những đổi mới về công tác đánh giá sản phẩm và công nghệ. Các phần mềm tham dự được đánh giá trên nhiều phương diện: không đơn thuần về công nghệ và các ứng dụng mà thí sinh thể hiện, các sản phẩm sẽ được đánh giá cả về định hướng công nghệ và khả năng ứng dụng thực tế. Đa số các sản phẩm đều có ý tưởng tốt nhưng đều yếu về mức độ cập nhật và tư duy định hướng công nghệ. Sản phẩm “Chơi cờ caro” là một ví dụ. Thí sinh Hy Trường Sơn đã mất hơn 1 năm làm việc với ngôn ngữ Turbo Pascal trên môi trường DOS (Turbo Pascal là ngôn ngữ khá “cổ” của ngành lập trình hiện nay) để thiết kế ra trò chơi này, trong khi đó, nếu sử dụng những ngôn ngữ mới trên môi trường Windows thì thời gian làm ra sản phẩm sẽ rút ngắn hơn nhiều lần. Thêm vào đó, do làm việc ngôn ngữ không thông dụng, nên sản phẩm không có tính ứng dụng vì hiện nay hầu như không có máy tính nào còn dùng DOS.
Với tư cách là đơn vị tổ chức, bắt đầu từ năm nay, Trung tâm Aprotrain-Aptech sẽ hỗ trợ thí sinh định hướng công nghệ sử dụng để “không chuyên chỉ là không học chuyên về lập trình và công nghệ thông tin chứ không phải là không chuyên nghiệp về công nghệ” – ông Chu Tuấn Anh – Giám đốc trung tâm khẳng định.
Kết quả của vòng chung khảo phần mềm sáng tạo sẽ được công bố vào Lễ bế mạc Hội thi tổ chức vào ngày 21/7/2007, sau khi diễn ra phần thi chung vào ngày 19 và 20/7/2007.
PV