Cùng với việc Việt Nam vừa trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền phầm mềm nói riêng đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Một số các công ty, tổ chức đã và đang lên kế hoạch cho việc thực hiện các động thái nhằm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, theo những quy định mà chúng ta đã cam kết.
Hiện nay, tại Việt Nam cũng có những ý kiến khác nhau về vấn đề bản quyền phần mềm. Một số đang thiên về đẩy mạnh mua bản quyền phần mềm, chưa để ý đến việc phát triển các phần mềm nguồn mở thay thế. Một số lại e ngại với việc chỉ thiên về mua các bản quyền các phần mềm thương mại thì sẽ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp phần mềm nguồn mở, không kích thích được các DN phần mềm trong nước phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Vũ Đức Đam: “Việc Việt Nam gia nhập WTO là một sự kiện mới làm động lực cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin nước nhà. Việt Nam cam kết thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Quan điểm của Bộ BCVT trong lĩnh vực CNTT, bản quyền phần mềm là không chỉ có những vấn đề thực tế với các cam kết của WTO, mà Việt Nam phải làm để cải thiện hình ảnh của Việt Nam, lấy lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài, phát triển ngành công nghiệp phần mềm nguồn mở. Chúng ta cần có tầm nhìn tổng quan, dài hạn. Thế giới cộng đồng CNTT phải chung sống cùng nhau. Không thể để mã nguồn mở đối lập với phần mềm thương mại. Mà phải có sự hợp tác trong cạnh tranh, chống độc quyền, có sự đối trọng.”
Về phía Hội tin Học Việt Nam (VAIP), đầu tháng 11/2006, VAIP đã gửi văn bản đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện xã hội tới Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT đề nghị cân nhắc kỹ hơn khi đặt vấn đề sử dụng bản quyền phần mềm văn phòng đang thông dụng cho tất cả các cơ quan Chính phủ để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam xuống mức thấp.
Thực trạng sở hữu bản quyền Việt Nam
Theo VAIP, sở cứ để dẫn đến áp lực hội nhập WTO xuất phát từ báo cáo xếp hạng vi phạm bản quyền toàn cầu trong Báo cáo toàn cảnh CNTT dẫn từ báo cáo của Liên minh phần mềm thương mại (BSA) và Tập đoàn IDG năm 2005: “Việt Nam và Zimbabwe là 2 quốc gia đứng đầu bảng vi phạm bản quyền phần mềm với tỷ lệ là 90% (tỉ lệ vi phạm chung toàn thế giới là 35-40%), Indonesia đứng thứ nhì với 87%, Trung Quốc và Pakistan đồng hạng 3 với 86%… với giá trị thiệt hại tài chính khoảng 38 triệu USD”.
Từ năm 2005 đến nay, liên tục các đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh máy tính và đưa con số giá trị mức độ vi phạm bản quyền (200-300 triệu/công ty). Trong liệt kê các bộ phần mềm vi phạm thường có Windows XP, Office XP, Autodesk, và 2 phần mềm Việt là bộ Từ điển Lạc Việt, bộ gõ Vietkey. Như vậy, sau việc kiểm tra các Doanh nghiệp phân phối máy tính là các Doanh nghiệp có ứng dụng CNTT-TT và xu hướng tiếp theo sẽ là các ngân hàng, dịch vụ viễn thông và cả các cơ quan quản lý nhà nước.
Vừa qua một số cơ quan quan trọng đã mua bản quyền phần mềm văn phòng: tháng 4/2006 Bộ Tài chính ký thoả thuận mua 15.000 bản phần mềm văn phòng Office. Ngày 16/10/2006, Vietcombank đã ký thỏa thuận sở hữu trong vòng 3 năm 4.000 giấy phép sử dụng cho Microsoft Office 2003 đồng thời cũng sẽ được sử dụng hợp pháp sản phẩm này tại nhà, ngày 25/10 Công ty FPT ký thỏa thuận mua bản quyền phần mềm cho 4.500 máy tính, và mới đây 4/12 Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) ký thoả thuận bản quyền Office cho 150 chi nhánh toàn quốc.
Cần bao nhiêu để mua bản quyền
Nếu Việt Nam quyết định giảm tỷ lệ vi phạm theo cách “mua hết bản quyền hệ điều hành và phần mềm văn phòng của nhà sản xuất” sẽ tốn một khoản chi phí khổng lồ. Cụ thể, Việt Nam đang có khoảng vài triệu PC đang sử dụng (trước WTO), và theo đánh giá từ các nhà cung cấp PC, năm 2005, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,2 triệu PC mới. Nếu tính thêm mức độ tăng trưởng 25% năm, như vậy trong 5 năm tới đây (kể từ khi gia nhập WTO) sẽ có tới 6 triệu PC mới phải tôn trọng bản quyền phần mềm (theo cam kết WTO), nghĩa là Việt Nam nếu dùng phần mềm thương mại cho văn phòng (thí dụ Windows và Office) sẽ phải trả bản quyền phần mềm cho 6 triệu PC x 500 USD là 3 tỷ USD. Mặt khác, nếu mua bản quyền cho các cơ quan nhà nước, hiện đang có khoảng 2 triệu công chức và viên chức thì có thể tính được con số tới 1 tỷ USD cho việc chi trả bản quyền cho phần mềm văn phòng.
Kinh nghiệm quốc tế
Trung Quốc: Đang cho triển khai chính sách “Người nội xài phần mềm nội”. Chính phủ Trung Quốc dự định cung cấp hơn 140.000 máy tính Linux cho các trường tiểu học và phổ thông cơ sở trên toàn tỉnh Giang Tô. Thỏa thuận này đã được công bố trong hội thảo Sun Wah Linux hồi tháng 10/2005. Đây được coi là chiến dịch triển khai desktop Linux lớn nhất châu Á từ trước tới nay. Theo cam kết khi gia nhập WTO, để giảm bớt mức độ phụ thuộc vào các sản phẩm độc quyền nước ngoài, Trung Quốc đã quyết định thay thế ít nhất là vài chương trình Windows bằng Linux. Nhiều cơ quan công quyền tại địa phương và Trung ương đã bắt đầu cài đặt phần mềm nguồn mở, từ Bộ Khoa học, Bộ Thống kê , Ủy ban Lao động Quốc gia cho đến thành ủy Bắc Kinh.
Ấn Độ: Chính phủ đã tài trợ cho một sáng kiến phân phát miễn phí các đĩa CD có chứa phần mềm nguồn mở. Khoảng 3,5 triệu đĩa CD có chứa các ứng dụng nguồn mở bằng tiếng Tamil và 3,5 triệu CD bằng tiếng Hindi đã được phát hành đến tận tay cộng đồng.
Thái Lan: Tháng 11/2002, ông Thaksin Shinawatra – Cựu Thủ tướng Thái Lan đã yêu cầu Bộ Thông tin, Truyền thông và Công nghệ đưa ra một chương trình thúc đẩy phổ cập CNTT đến mọi người dân. Chương trình có tên là “People’s PC”, theo đó, chính phủ sẽ trợ giá để các hãng máy tính hạ giá bán PC được cài hệ điều hành Linux TLE (phiên bản tiếng Thái của hệ điều hành Linux và bộ phần mềm Open Office chạy trên nền Linux). Sự thành công của máy tính sử dụng hệ điều hành Linux TLE ở Thái Lan đã khiến ”giá bán cả sản phẩm Windows lẫn Office ở Thái Lan xuống còn khoảng 35 USD. Theo các chuyên gia, chính sách của Chính phủ Thái Lan vừa có tính kích cầu, vừa mang tính phổ cập CNTT cho những người có thu nhập thấp đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm (còn 77% vào năm 2002).
Như vậy cần phải có các nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế thật nghiêm chỉnh về vấn đề lựa chọn này với tiêu chí “ích nước, lợi dân” và lựa chọn cách đi để thực sự thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm và phát triển ứng dụng CNTT-TT đang còn non yếu của Việt Nam.
Theo Vnmedia