Vista hay XP? Windows, Mac hay Linux? Mỗi người mỗi vẻ, biết chọn ai, bỏ ai? Nhưng nhờ có công nghệ ảo hóa ngày một hoàn thiện, bạn không còn phải “neo đậu” vào một hệ điều hành nào nữa.
Bạn từng là người dùng Mac hay là tín đồ Windows, hoặc thậm chí bạn là chuyên gia về Unix? Cho dù bạn đang chạy hệ điều hành (HĐH) nào đi nữa thì trong đời bạn có lẽ chỉ dùng một hệ điều hành duy nhất. Nhưng mọi việc lúc này đã thay đổi, những ngày tháng “chỉ chạy 1 hệ điều hành” đã qua đi khi BXL Intel phổ biến hơn và các nhà phát triển phần mềm đạt được những bước tiến mới. Bây giờ, các cỗ máy Mac có thể chạy Windows XP.
Windows Vista được cài sẵn trên các PC mới nhưng bạn cũng có thể khởi động với HĐH Ubuntu Linux (có thể tải về và ghi ra đĩa miễn phí). Và nếu thích Ubuntu thì bạn có thể cài đặt nó cùng với Windows chỉ với vài cú nhấn chuột.
Những cải tiến chóng mặt trong phần mềm ảo hóa cùng những cải tiến phần cứng và chuẩn hóa trên CPU x86 cho phép bất cứ HĐH nào cũng có thể làm HĐH chủ cho các phiên bản ảo của các HĐH khác.
Mỗi hệ thống vẫn cần phải có hệ điều hành chính và việc trộn, hòa hợp để các máy tính “sống chung” với nhau dễ hơn trước nhiều. Một chiếc máy tính có thể cài cùng lúc cả Mac OS X, Windows XP, Windows Vista, Ubuntu và OpenSuSe Linux, thậm chí có thể chạy cùng lúc nhiều hệ điều hành. Nhưng nếu có điều kiện thì hệ thống Apple đáng để bạn quan tâm hơn cả. Tại sao? Bạn hãy xem bảng hiển thị trong bài để biết ưu khuyết của từng hệ điều hành.
Windows XP vẫn còn tốt
Security Center của XP giới thiệu gói Service Pack 2 để lấp những lỗ hổng lớn trong hệ điều hành.
Cuối cùng Windows Vista cũng xuất hiện sau bao ngày mong đợi. Giao diện và các tiện ích được tu bổ lại của Vista khá tốt. Nhưng trước khi nói đến anh lính mới này, chúng ta cùng bàn về Windows XP.
Mặc dù nhiều tai tiếng xung quanh chuyện bảo mật nhưng XP cũng đã nhanh chóng trở thành hệ điều hành rất thành công. Trước XP, phiên bản Windows 2000 và các hệ điều hành trước đó của Microsoft thường bị treo máy, hư, và hàng tuần hay thậm chí hàng ngày đều hiện lên màn hình xanh. Mặc dù vẫn xảy ra lỗi làm đứng máy nhưng XP ít bị treo và trục trặc hơn so với các phiên bản trước.
XP là hệ điều hành được bán ra nhiều nhất trong gần nửa thập kỷ qua, nên hiện nay nó chính là mảnh đất để nhiều nhà phát triển gieo trồng ứng dụng của mình lên đó. Bất kể bạn làm gì với PC: kế toán, blog, chỉnh sửa ảnh, thiết kế cơ khí, lướt web… thì các phần cứng và phần mềm cần thiết đều có thể chạy được trên Windows XP.
Dĩ nhiên, để Windows XP chạy thông suốt bạn phải giữ cho nó sạch sẽ. Service Pack 2, Windows Security Center và Internet Explorer 7 đã phải vá rất nhiều lỗ hổng nhưng XP chắc chắn vẫn là mục tiêu của kẻ xấu trong nhiều năm tới nữa. Tường lửa, phần mềm chống virus và chống gián điệp vẫn còn đóng vai trò rất quan trọng.
Theo Forrester Research, chỉ trong năm tới 40% người dùng doanh nghiệp đang chạy Windows sẽ chuyển sang Vista, dự kiến năm đầu sẽ có 12 triệu người dùng và lên đến 73 triệu trong 4 năm tiếp theo. Microsoft vẫn tiếp tục đưa ra các bản sửa lỗi bảo mật cho XP ít nhất là 5 năm nữa sau khi hãng tung ra bản Service Pack 3 (dự kiến đến nửa đầu 2008). Vì vậy bạn chẳng việc gì phải vội vã.
Dạo quanh Vista
Vista đưa ra nhiều cải tiến bảo mật (mặc dù bạn vẫn còn cần đến tường lửa của hãng khác trừ khi bạn tự mình thiết lập những tác vụ phức tạp) cộng với vài tiện ích được chỉnh sửa lại và một số tính năng mới. Nhưng chính giao diện của Vista là thứ “dụ dỗ” nhiều người. Giao diện Aero hiển thị cửa sổ, biểu tượng và các thành phần desktop với nhiều màu sắc hơn, có bóng đổ và lần đầu tiên có hiệu ứng mờ. Các biểu tượng nút nhấn có màu giống như đèn LED xanh đỏ khi bạn di chuột qua. Cả khung cửa sổ, menu và thanh tiêu đề dạng mờ cho bạn thấy được các ứng dụng khác đang nằm dưới một hoặc hai lớp cửa sổ và bộ chuyển đổi Flip 3D giữa các ứng dụng rõ ràng là giống Exposé của Apple.
Các cửa sổ dạng mờ và tiện ích nhỏ trên desktop là những thứ đập vào mắt bạn đầu tiên khi chạy Vista nhưng cũng có các tiện ích mới nhất khác mà Microsoft đem vào như Windows Defender.
Theo cách của Apple, công cụ Windows SideBar chạy các ứng dụng nhỏ (widget) gần giống với Dashboard của OS X. Tuy nhiên, giao diện của Media Player, Control Panel, Mail và chức năng xem hình được thiết kế lại; có thể xem đây là một sự “lột xác” về giao diện nhưng mới chỉ ở lớp bên ngoài. Nếu mở các mục cấu trúc menu, bạn sẽ thấy xuất hiện các hộp thoại con giống như trong Windows XP.
Game thủ thậm chí sẽ còn thấy nhiều “món ngon” khác khi chuyển lên Vista. DirectX 10 hứa hẹn tăng tốc game lên 8 lần và nó sẽ không được như vậy nếu chạy trong XP. Windows Presentation Foundation giúp nhà phát triển phần mềm dễ dàng đưa ra các ứng dụng tận dụng tăng tốc phần cứng đồ họa.
Tuy nhiên, nhiều cải tiến của Vista như vậy cũng phải trả giá. PC World Mỹ thử nghiệm trên phần cứng đề nghị của Microsoft, chạy cùng ứng dụng thì Windows XP chạy nhanh hơn đáng kể so với Vista (A0703_11). Vì vậy, tốt nhất nếu bạn mua PC mới thì hãy chạy Vista, còn nếu bạn muốn chạy Vista trên hệ thống cũ thì đành “thỏa hiệp” với tốc độ hệ thống. Nhưng trên một hệ thống trang bị đủ tốt thì Windows Vista cho kết quả tìm kiếm tập tin, tài liệu, e-mail và web nhanh hơn.
PC ơi, Mac đây!
Hay có lẽ bạn muốn chuyển sang một hệ điều hành khác hẳn? Dòng máy để bàn MacBook và Mac Pro rất đơn giản, rõ ràng như muốn ngụ ý việc sử dụng máy tính rất rõ ràng, thậm chí là dễ dàng. Hệ điều hành Mac OS X cũng đưa ra lời hứa hẹn như vậy. Mặc dù hệ điều hành của Apple và Windows nhìn chung cho bạn làm được mọi thứ nhưng giao diện Mac dường như có ít lớp hơn, ít tầng hơn và ít thông số chỉnh sửa hơn.
Có thể xem một người dùng Windows ngót ngét 20 năm trời như thế là quá đủ, đã đến lúc nên nhảy sang con tàu khác. Tất nhiên đó là điều không nên. Boot Camp của Apple cho máy Mac nền Intel có thể khởi động Windows và các hệ điều hành x86 khác như Linux. Bây giờ, cả những chuyên gia lẫn người dùng bình thường vừa muốn tận hưởng tính đơn giản của OS X, vừa cần chạy những ứng dụng trong Windows XP, Vista hay Linux đều chỉ cần 1 hệ thống duy nhất cũng có thể đáp ứng đòi hỏi này.
Có phải Windows Media Player đang chạy trên Mac? Nhờ có tính năng Coherence , máy Mac có thể chạy ứng dụng Windows cùng với các ứng dụng Mac.
Apple vẫn không cho phép OS X chạy trên các hệ thống không thuộc Mac nên người dùng bắt buộc phải chạy phần cứng Apple thì mới có thể chạy hết mọi hệ điều hành trên 1 máy. Với việc thêm vào phần mềm ảo hóa miễn phí (hoặc giá rẻ) của Parallels và VMWare, Mac có thể chạy song song các hệ điều hành này. Phần mềm Parallels thậm chí còn có một tính năng vô cùng độc đáo “Coherence”, cho phép chạy các ứng dụng Windows ảo hóa cùng với các chương trình OS X. Parallels có vẻ đi trước VMWare (là công ty ứng dụng trên OS X đầu tiên) một bước khi dự kiến đưa ra Fusion trong mùa hè này. Còn hiện tại, cả 2 đang cố gắng thêm bộ tăng tốc 3D vào các sản phẩm của họ để có thể chơi game trên hệ điều hành ảo.
Nhưng tin giật gân nhất về Mac OS trong mùa xuân này chính là khi Apple đưa ra bản OS X 10.5, còn gọi là Leopard. Bản 10.5 hứa hẹn một bộ các tính năng mới, trong đó có Time Machine là công cụ sao lưu hệ thống tự động, cho bạn tới lui các phiên bản của tập tin. Leopard cũng hỗ trợ các tính năng văn phòng (stationary) và bảng danh sách to-do-list trong mail; một bản mở rộng của công cụ tìm kiếm SpotLight để định vị các tập tin trên máy Mac khác có trên mạng của bạn; tính năng màn hình ảo giống với Exposé gọi là Spaces và một số tính năng khác chưa tiết lộ.
Linux – không thể không nhắc đến
Những phiên bản Linux phổ biến như là Ubuntu đã có được một bước tiến lớn trong việc thay đổi quan niệm của người dùng về Linux, rằng Linux giờ đây cài đặt và cấu hình dễ dàng hơn nhiều. Đĩa CD khởi động của Ubuntu cho bạn thử xem mình thích Linux đến mức nào (cũng như Linux có hợp với PC của bạn không) mà không cần cài đặt bất cứ cái gì vào ổ cứng. Còn khi muốn cài đặt thì chỉ vài cú nhấn chuột, Ubuntu sẽ được cài lên ổ cứng cùng với Windows. Khi cài đặt xong, có vài ứng dụng đơn giản cho bạn chọn để cài đến hàng trăm ứng dụng miễn phí khác, trong đó có cả các công cụ văn phòng, đa phương tiện và các công cụ phát triển.
Hộp thoại ứng dụng Add/Remove của Ubuntu giúp bạn tải và cài đặt phần mềm miễn phí.
Một bản Linux khác là OpenSuSe của Novell có các tiện ích cấu hình và thư viện ứng dụng cũng dễ dàng cho bạn tìm kiếm, định vị giống như của Ubuntu. Cả 2 bản Linux này đều đưa ra những bản cập nhật sửa lỗi thường xuyên và cập nhật tự động.
Với ai thích giao diện Linux có thể chọn trong rất nhiều giao diện người dùng khác nhau, 2 gương mặt nổi bật nhất là GNOME và KDE. Cả 2 giao diện này đều có những tính năng tốt nhất của nhau và đều vay mượn những “món ngon” của Apple và Microsoft.
Với đòi hỏi phần cứng thấp và bảo mật tốt, Linux có thể xem như là hệ điều hành miễn nhiễm. Cùng với tùy chọn ảo hóa và khởi động kép, vài ứng dụng nguồn mở miễn phí và phần mềm Xen dựa trên kernel, bạn có thể dễ dàng thử những gì mới nhất trong Linux mà không phải vứt bỏ hệ điều hành hiện thời.
Theo PC World VN và Mỹ 04/2007