(Aprotrain-Aptech) Ngành CNTT giữ vị trí dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng và là một trong 5 ngành có chỉ số cạnh tranh cao nhất đối với ứng viên, theo Vietnamworks.
Nhân lực CNTT đang được săn đón nhiều hơn
Trang web tuyển dụng trực tuyếnVietnamworks vừa công bố Báo cáo chỉ số nhân lực trực tuyến. Theo đó, nguồn cung – cầu nhân lực trực tuyến của ngành CNTT vẫn giữ vị trí dẫn đầu so với các ngành nghề khác trong quý I/2013.
Nhân lực CNTT có thêm nhiều cơ hội và được săn đón nhiều hơn
Mấy năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT luôn nằm trong top đầu. Tuy nhiên, theo Vietnamworks, mức độ cạnh tranh giữa các công ty trong việc tìm kiếm nhân tài trong ngành này ngày càng cao hơn, các ứng viên có thêm nhiều cơ hội việc làm cũng như được “săn đón” nhiều hơn. Nhà tuyển dụng, do đó, cũng phải tập trung nhiều hơn trong việc xác định nhu cầu, lựa chọn kênh tuyển dụng hiệu quả, cũng như xây dựng môi trường làm việc lý tưởng thông qua chính sách thưởng, đội ngũ quản lý giỏi, và cung cấp nhiều cơ hội phát triển dành cho nhân viên để tuyển chọn và thu hút nhân tài.
Một chuyên gia trong ngành CNTT nhận định, ngoài ra sự phát triển không ngừng của CNTT ở Việt Nam, thời gian gần đây, các ngành như thanh toán điện tử, thị trường điện thoại di động, dịch vụ internet không dây cũng phát triển mạnh dẫn đến việc tăng trưởng không ngừng về nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này.
Hiện tại, các doanh nghiệp CNTT lớn trong nước đang phải chịu cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút nhân tài, đặc biệt với các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam. Ngay cả FPT, tập đoàn lớn về công nghệ với hậu thuẫn là đại học FPT cũng trong tình cảnh khó khăn. “Chỉ 50% số sinh viên tốt nghiệp Đại học FPT ở lại tập đoàn làm việc”, một đại diện FPT chia sẻ. “Để thu hút và giữ chân nhân tài, ngoài mức lương hấp dẫn, FPT cố gắng xây dựng môi trường làm việc lý tưởng để nhân viên thêm gắn bó, mở rộng hoạt động để tạo nhiều cơ hội cho các vị trí quản lý…”, vị này nói.
Theo dự đoán của Vietnamworks, từ nay đến cuối năm 2013, thị trường nhân lực sẽ có nhiều biến động giữa các ngành nghề (nhu cầu về ngành kế toán và hành chánh tổng hợp đã có dấu hiệu chững lại và có khuynh hướng giảm; các ngành có nhu cầu nhân lực tăng gồm Nông nghiệp/ Lâm nghiệp, Tư vấn, Dệt may/ Da giày, Dược phẩm/ Công nghệ sinh học, Bán lẻ/ Bán sỉ), tuy nhiên, CNTT sẽ vẫn là ngành dẫn đầu thị trường và giữ xu hướng tăng trong thời gian sắp tới.
Theo VNexpress
|