Harvey Bumpus không thích lủi thủi ăn cơm một mình, nhưng vợ ông đã mất hơn một năm nay còn gia đình thì phân tán rải rác khắp nơi. Tối nào cũng vậy, ông chỉ hâm nóng lại nồi súp hoặc nướng vài thanh xúc xích để ăn cho qua bữa. Nhưng công nghệ có thể làm thay đổi điều này.
Công nghệ thay đổi cuộc sống
“Tôi làm gì có nhiều sự lựa chọn”, cụ ông 82 tuổi này cho biết. Năm nào, ông cũng mong ngóng Giáng sinh như là một dịp hiếm hoi để có thể quần tụ bên cả gia đình. Nhưng giờ thì với một công nghệ mới do Accenture phát triển có tên “Bữa tối gia đình ảo”, sự cô đơn và lẻ loi của Bumpus sẽ không còn nữa.
Ý tưởng thật đơn giản. Lấy thí dụ, một cụ bà ở California tự nấu bữa tối. Khi cụ ngồi xuống bàn và chuẩn bị ăn, hệ thống sẽ phát ra tín hiệu thông báo cho con trai cụ ở Chicago. Khi đó, người con trai sẽ vào bếp, nơi đang đặt một máy camera nhỏ và một chiếc mic thu thanh.
Loa và màn hình (to nhất cỡ màn hình TV hoặc nhỏ nhất cỡ bằng khung ảnh) sẽ cho phép anh ta nhìn thấy và nghe thấy tiếng mẹ mình. Quang cảnh cũng diễn ra hoàn toàn tương tự trong nhà bà cụ.
“Chúng tôi cố gắng phục sinh lại những cảm giác gia đình đang bị thui chột vì lối sống hiện đại bận rộn”, ông Dadong Wan, chuyên gia của Accenture cho biết.
Các chuyên gia cho rằng những hình thức tương tác, dù là ảo, kiểu như thế này có thể giải quyết được một vấn đề lớn: người cao tuổi khi phải ăn một mình thường không ăn đủ chất hoặc ăn những thức ăn không tốt cho sức khỏe của họ. Tình trạng này có thể khiến họ mắc phải hàng loạt bệnh, cả về tâm lý lẫn sinh lý mà nguy hiểm nhất, có thể đe dọa cả tính mạng.
Theo kế hoạch, hệ thống “Bữa ăn gia đình ảo” sẽ được triển khai đại trà sau hai năm nữa, với giá thành khoảng 500 – 1000 USD/hộ gia đình. Ông Wan cho biết sản phẩm cuối cùng sẽ được thiết kế với mức độ đơn giản tối đa để ngay cả những cụ ông như Bumpus, người chưa hề sờ đến máy tính và vừa nghe đến công nghệ đã thấy hoảng, có thể sử dụng được dễ dàng.
Không chỉ là video conferencing
Theo mô hình mẫu đang đặt trong phòng thí nghiệm của Accenture, máy chiếu được đặt trên trần của hai gian bếp khác nhau. Quang cảnh ở phòng bếp bên này sẽ được “chiếu” lên cửa sổ lớn của phòng bếp bên kia và ngược lại.
Khi đi vào thực tế, các camera và microphone có thể được đặt ở bất cứ đâu, trên TV hay nóc tủ, hay thậm chí là tích hợp bên trong những khung ảnh nhỏ. Màn hình có thể hiển thị toàn bộ gian bếp hoặc chỉ người ngồi ăn mà thôi, tùy theo chế độ mà bạn cài đặt cho camera.
Wan nói rằng hệ thống “Bữa tối gia đình ảo” làm được nhiều hơn hẳn so với công nghệ video conferencing hiện nay. Lấy thí dụ, khi một cụ ông/cụ bà đặt đĩa thức ăn lên bàn, phần mềm của hệ thống sẽ tự động tìm kiếm những thành viên khác trong gia đình và quyết định xem ai là người “có độ sẵn sàng tham gia bữa ăn” cao nhất.
Giả sử, nếu người đó đang xem TV, hệ thống có thể gửi một thông điệp và hiện nó lên ngay trên màn hình vô tuyến. “Mẹ bạn đang ở kênh 456”. Sau khi click vào kênh này, đường dây liên lạc sẽ được thiết lập.
Đã có nhiều công nghệ được phát triển dành riêng cho người cao tuổi, nhưng một “bữa ăn ảo” cùng người thân như thế này thì mới là ý tưởng đầu tiên. “Có thể liên lạc với con cháu, thậm chí tưởng như là có thể chạm vào người chúng, điều đó nghe thật tuyệt”, cụ Bumpus thốt lên.
Theo Vietnamnet/AP