Nói đến đào tạo nguồn nhân lực CNTT mà chưa hình dung một cách đầy đủ đối tượng cần đào tạo thì quả là một nghịch lý khó tưởng tượng được! Cần xây dựng bảng chức danh CNTT
Cần xây dựng bảng chức danh CNTT
Nhu cầu nhân lực CNTT đã từng được thể hiện rõ qua các chủ trương của Nhà Nước với những con số như 25.000, 50.000. Tuy nhiên, chưa một ai chỉ ra trong số đó bao nhiêu người trình độ trên đại học, bao nhiêu kỹ sư, cử nhân, bao nhiêu kỹ thuật viên và bao nhiêu công nhân. Muốn có một chiến lược đào tạo đúng đắn, phù hợp phải biết nhu cầu của thị trường, phải xác định những chức danh nghề nghiệp CNTT, các bậc học cho từng chức danh, chương trình đào tạo cho từng bậc học của từng chức danh… Đến nay, chưa có một khảo sát, thống kê đầy đủ để có nhận định một cách chính xác, làm cơ sở để tìm chiến lược phát triển nhân lực CNTT những năm tới.
Được biết, tháng 12/2003, bộ Nội Vụ cùng bộ Bưu Chính Viễn Thông tổ chức hội thảo ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng (trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ chính sách” do Canada tài trợ) đã bàn về việc xây dựng chức danh, tiêu chuẩn của những người làm việc trong lĩnh vực CNTT. Sau hội thảo, các bộ trên đã hoàn thiện như thế nào đề án này để có được một hệ thống chức danh nghề nghiệp CNTT ở nước ta? Đây là điều mà giới làm nghề CNTT mong mỏi. Đây cũng là vấn đề cơ bản và rất cấp thiết. Nói đến đào tạo nguồn nhân lực CNTT mà chưa hình dung một cách đầy đủ đối tượng cần đào tạo thì quả là một nghịch lý khó tưởng tượng được!
Ở Mỹ, theo văn phòng Thống Kê Lao Động Mỹ (Bureau of Labor Statistics,U.S.), nghề CNTT có mấy chức danh chính sau (dữ liệu được cập nhật vào trang www.bls.gov ngày cuối cùng là 4/8/2006):
– Nhà khoa học máy tính và quản trị cơ sở dữ liệu ( Computers Scientists and Database Administrators)
– Kỹ sư phần mềm (PM) máy tính (Computers software Engineers)
– Người phân tích hệ thống (Systems Analysts)
– Người lập trình máy tính (Computers Programmers).
Cụ thể hơn, người ta chẻ nhỏ những chức danh trên rồi tập họp chúng lại trong 2 lĩnh vực: Nghiên cứu phát triển (Development) và DV (Services).
Trong “Nghiên cứu phát triển” được chia ra 6 lĩnh vực nhỏ hơn và có những chức danh như nhà phân tích, nhà thiết kế, lập trình viên, kỹ sư PM, chuyên gia nghiên cứu và phát triển, nhà thiết kế đa phương tiện, lập trình viên Internet, chuyên gia thương mại điện tử, nhà truyền thông dữ liệu… Chức danh kỹ sư PM (CE – Computer Software Engineers) lại gồm Computer Application Software Engineers (kỹ sư PM ứng dụng) và Computer Systems Software Engineers (kỹ sư PM hệ thống).
Trong “Dịch vụ” được chia thành 7 lĩnh vực nhỏ hơn và có những chức danh như nhà quản trị mạng, nhà điều hành mạng, kỹ sư mạng, kỹ thuật viên thao tác mạng, phân tích viên kinh doanh, giảng viên CNTT, người điều hành tiếp thị, người điều hành quản trị cơ sở dữ liệu (CSDL), phân tích viên/chuyên gia CSDL, chủ công sở CNTT (Chief Information Officer)…
Không phải mọi chức danh CNTT của Mỹ đều phải có trong bảng chức danh CNTT của ta (sẽ xây dựng), nhưng chắc chắn mọi công việc của các chức danh đó đều cần phải có trong phát triển CNTT ở nước ta.
“Nhúng” sâu CNTT vào tri thức các ngành
Nhân lực CNTT thực hiện 2 mảng công việc lớn là phát triển nền công nghiệp CNTT và xâm nhập vào mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội nhằm tạo nên những sản phẩm mang sắc thái mới có hàm lượng trí tuệ cao.
Về công nghiệp CNTT có công nghiệp phần cứng và công nghiệp PM. Những năm qua ở nước ta PM rất được quan tâm (kế hoạch phát triển đến năm 2010 đặt ra cho PM và công nghiệp nội dung số tăng trưởng hàng năm 40%, đạt tổng giá trị 1,2 tỷ USD; phần cứng đạt giá trị 3 tỷ USD). Do đó, những chức danh tổng quát như: nhà khoa học máy tính, quản trị cơ sở dữ liệu, kỹ sư PM máy tính, người phân tích hệ thống và người lập trình máy tính đều phải có và phải đào tạo. Trong từng chức danh tổng quát đó cần cụ thể hóa ra bao nhiêu chức danh nữa và xác định tỷ lệ đào tạo của từng chức danh. Đây là những vấn đề phức tạp, hy vọng sẽ có những hội thảo quốc gia về vấn đề này.
Thực tế, các trường đại học của ta lâu nay chỉ tập trung vào đào tạo ngành khoa học máy tính. Gần đây mới thành lập trường ĐH CNTT thuộc ĐHQGTPHCM đào tạo 3 ngành: khoa học máy tính, công nghệ PM, mạng máy tính.
Một sự kiện rất đáng ghi nhận là đại học FPT tuyển sinh khoá đầu tiên đào tạo ngành kỹ nghệ PM.
Việc đào tạo ở nhà trường không thể bao hết các yêu cầu của người sử dụng mà chỉ trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cơ bản. Vào làm việc ở lĩnh vực nào sẽ được trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng của lĩnh vực đó. Cái ta cần khắc phục trong đào tạo hiện nay là làm sao để sinh viên (SV) có khả năng giao tiếp tốt, tính tự chủ cao, sáng tạo, có trình độ ngoại ngữ tốt và có cơ sở lý luận, kiến thức cần thiết, có kỹ năng thực hành nhất định.
Về nâng cao khả năng ngoại ngữ cho SV ngành CNTT, có thể thực hiện một trong các giải pháp: xây dựng chương trình ngành CNTT có một thời lượng học ngoại ngữ (tiếng Anh) đủ để đạt chuẩn theo yêu cầu (chẳng hạn chuẩn Toefl); đưa ngoại ngữ thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc đối với ngành CNTT. Ngoài ra cần có quy định một số môn tin học phải học bằng tiếng nước ngoài (tiếng Anh). Một cách làm khá hay của đại học FPT là đào tạo ngành kỹ nghệ PM theo 2 khối: tiếng Anh và tiếng Nhật. Năm đầu tiên, SV học ngoại ngữ. Sang năm thứ hai SV học chuyên ngành bằng ngoại ngữ chính và học thêm ngoại ngữ phụ.
Một vấn đề khác là việc kết hợp đào tạo ở nhà trường với thực tiễn. Việc xã hội hóa đào tạo nhân lực CNTT thời gian qua đã đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đó chỉ là những hoạt động tự phát chứ Nhà Nước chưa có chính sách khuyến khích thỏa đáng nhằm nâng cao hiệu quả của việc xã hội hóa đào tạo nhân lực CNTT. Việc chưa gắn kết được cơ sở đào tạo với nơi tuyển dụng là nguyên nhân dẫn đến điểm yếu muôn thuở của nền giáo dục là không kết hợp được lý luận với thực tiễn.
Có thể khắc phục tình trạng này bằng nhiều cách: Rà soát, xây dựng lại chương trình đào tạo, chỉ rõ những môn không cần giảng lý thuyết riêng mà giảng lý thuyết luôn với thực hành; Tổ chức cho SV thực tập, làm đồ án môn học; Áp dụng những mô hình đào tạo tiên tiến, thực hiện đào tạo theo tín chỉ; Mời doanh nghiệp (nơi sử dụng) báo cáo, giảng bài; Nơi tuyển dụng nêu yêu cầu cho nơi đào tạo và cùng với nơi đào tạo tìm biện pháp để có được những sản phẩm đào tạo phù hợp. Ngoài việc đặt yêu cầu, nơi tuyển dụng còn có những hoạt động khác như cấp học bổng, nhận SV thực tập, nhận SV làm tốt nghiệp, cùng với nơi đào tạo thực hiện các dự án đầu tư, nơi sử dụng đầu tư cho nơi đào tạo… Chẳng hạn, trong mảng công nghiệp CNTT có một hoạt động là gia công PM. Loại việc này các công ty PM có thể liên kết với nơi đào tạo để thực hiện.
Khắc phục thế nào?
Mảng công việc thứ hai của CNTT là xâm nhập vào mọi hoạt động kinh tế xã hội đem lại cho các hoạt động đó những sắc thái mới, tạo nên những sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao.
Hoạt động này dĩ nhiên đòi hỏi một lực lượng nhân lực CNTT rất lớn. Nếu nguồn nhân lực này chỉ giao riêng cho ngành CNTT đào tạo sẽ không hợp lý vì muốn có một sản phẩm của một ngành nào đó có hàm lượng CNTT cao phải trang bị cho chuyên gia CNTT những kiến thức của ngành đó đủ đến mức có thể tạo ra sản phẩm. Như thế đòi hỏi một thời lượng đào tạo lớn.
Trong khi đó, nếu nâng trình độ về CNTT của chuyên gia ngành khác đạt đến mức có thể khai thác những nền tảng CNTT đã có để tạo ra sản phẩm của chính ngành mình sẽ cần một thời lượng đào tạo nhỏ hơn. Vì vậy, chúng ta phải đào tạo một lực lượng lớn hơn nhiều nhân lực các ngành có một trình độ CNTT cao. Giải pháp cho vấn đề này nên là: tăng kiến thức, kỹ năng CNTT trong chương trình đào tạo của các ngành; triển khai đào tạo một số ngành mới như ngành “hệ thống thông tin kinh tế “, ngành y-tin, ngành sinh – tin, ngành hóa – tin…; Đào tạo bằng 2 về CNTT cho những người tốt nghiệp ngành khác (cách này chỉ là giải pháp đối phó khi chưa xây dựng được một chương trình đào tạo hợp lý cho các ngành). Thật ra, qua chương trình khung xây dựng từ năm 2003, một số ngành như cơ khí, điện -điện tử… đã tăng hàm lượng kiến thức, kỹ năng CNTT và thêm một số ngành mới như “hệ thống thông tin kinh tế”, nhưng nhìn chung , hàm lượng CNTT vẫn còn quá ít.
Đáng mừng là trong quyết định của Thủ Tướng Chính Phủ số 51/2007/QĐ-TTg ngày 12/4/2007 phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp PM Việt Nam đến 2010 có đưa ra “Chương trình 4+1” (đào tạo thêm 1 năm cho các SV các ngành ngoại ngữ, khoa học, kỹ thuật, kinh tế về CNTT). Muốn có nhân lực tốt ngoài chương trình phù hợp còn phải giải quyết nhiều yếu tố khác như thầy giáo, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm…, nhưng chương trình đào tạo vẫn là yếu tố cần giải quyết trước tiên… Cần đào tạo ngay những ngành mới như: y-tin, hóa –tin, vật lý-tin, sinh-tin…
Tham khảo bảng lương của các chức danh ngành CNTT ở Mỹ
Chức danh | Năm | Số lượng chuyên viên | Thu nhập trung bình (USD/năm) |
CP (Computer Programmer) |
2002 2004 |
499.000 455.000 |
60.290 62.890 |
CE (Computer software Engineers) |
2002 2004 |
675.000 800.000 |
70.900 74.980 |
SA (Systems Analysts) |
2002 2004 |
468.000 487.000 |
62.890 66.460 |
HE (Hardware Engineers) | 2004 | 77.000 | 81.150 |
CS (Computer Scientists) | 2004 | 22.000 | 85.190 |
DA (Data Administrators) | 2004 | 104.000 | 60,650 |
Theo PCWorld VN