Trung tâm An ninh Mạng Bách Khoa (BKIS) cho biết, trong tháng 11 qua, Việt Nam đã xuất hiện hiện tượng lừa đảo người sử dụng Internet (hacker) ăn theo sự kiện Yahoo mới khai trương dịch vụ Yahoo! Mash. (Ảnh: Ông Nguyễn Tử Quảng – Giám đốc BKIS)
Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc BKIS cho biết, các điều tra phân tích của BKIS cho thấy, kẻ xấu đã khai thác sự nhẹ dạ của người sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Lợi dụng nhu cầu chuyển đổi từ dịch vụ blog Yahoo! 360o sang Yahoo! Mash, kẻ lừa đảo gửi email tiếng Việt tới các nạn nhân “hướng dẫn” cách chuyển đổi blog sang dịch vụ mới này mà không mất dữ liệu. Thực chất, chúng dụ họ cung cấp mật khẩu tài khoản của Yahoo! 360. Sau khi lừa được nạn nhân, kẻ lừa đảo quay lại thông báo cho nạn nhân và yêu cầu họ đưa tiền để chuộc lại mật khẩu đã mất.
“Theo thống kê của chúng tôi, có hàng trăm người sử dụng bị lừa theo hình thức trên”, ông Quảng khuyến cáo, “Người sử dụng cần đề cao cảnh giác trong quá trình sử dụng máy tính và Internet như không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho người khác qua mạng, qua điện thoại. Ngoài ra, người sử dụng cũng cần cẩn thận trước những email, website hoặc thông tin không rõ nguồn gốc”.
Máy tính bị hacker Rootkit tăng đột biến
Theo số liệu thống kê của BKIS, tháng qua, tổng cộng có 4.289.900 máy tính bị nhiễm virus. Số virus lây nhiễm trong tháng là 1.589 virus. Số virus xuất hiện trung bình trong 1 ngày là 52,9 virus. Virus lây lan nhiều nhất trong tháng: W32.Kavo.Worm (lây 101.700 máy tính).
Đặc biệt, theo ông Quảng, đáng chú ý nhất là trong tháng qua đã có tới 138.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm rootkit (phần mềm độc hại chuyên dùng để che dấu sự tồn tại của virus), trong khi số máy tính bị nhiễm của tháng 10 chỉ có 32.000. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là số virus mang cơ chế cài đặt rootkit tăng rất mạnh trong tháng qua.
Không trực tiếp tham gia vào các hoạt động phá hoại nhưng rootkit lại có khả năng che dấu sự tồn tại của virus trước các phần mềm diệt virus. Chính vì vậy, nó được hacker sử dụng ngày một nhiều để “bảo vệ” cho những virus do chúng viết ra.
Cẩn thận với e-card trong dịp Noel và Tết
Người đại diện của BKIS cho biết, dịp cuối năm với các ngày lễ như Noel, Tết luôn là thời điểm hacker lợi dụng phát tán virus thông qua các thiệp chúc mừng (e-card) giả mạo có chứa mã độc hại.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong thời gian tới, người sử dụng cần cẩn thận khi nhận được các email chúc mừng không rõ nguồn gốc.
Kẻ xấu thường phát đi các thông điệp dưới dạng thiệp chúc mừng, thông tin mua hàng khuyến mãi, quà tặng hay cơ hội trúng thưởng cuối năm để lừa người sử dụng mở một file đính kèm hay bấm vào một đường link chứa mã độc hại. Khi nhận được các thông điệp chúc mừng trong những ngày lễ này, người sử dụng thường mất cảnh giác và khả năng mắc bẫy hacker là rất cao. Dịp lễ Noel và Tết năm ngoái 2006, một loạt các virus PostCard gửi email giả mạo chúc mừng lễ Giáng sinh và năm mới cũng đã bùng phát tại Việt Nam.
Để phòng tránh, người sử dụng không nên mở các file đính kèm hay bấm vào các đường link bên trong những email không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, người dùng máy tính cũng cần phải cập nhật thường xuyên các phần mềm diệt virus mới nhất.
Theo VTCnews