Sang Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh các tổng giám đốc doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit), ông Craig Mundie, Giám đốc nghiên cứu và chiến lược của Tập đoàn Microsoft cũng đã có buổi tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào sáng ngày 18/11, trước khi đến dự lễ ký kết tại Press Club. Ông Mundie nhấn mạnh rằng trong buổi lễ tiếp đón mình, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định Việt Nam sẽ thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO, trong đó có vấn đề tôn trọng bản quyền tại Việt Nam.

Đánh giá được tầm quan trọng về đào tạo tại Việt Nam, phía Microsoft sẽ cung cấp cho FPT một chương trình dành riêng để giúp đào tạo các sinh viên trở thành các chuyên gia công nghệ đẳng cấp cao. Trong bài phát biểu, ông Craig Mundie cho biết phía Microsoft sẽ ký một thoả thuận hợp tác liên minh chiến lược với công ty FPT trong thời hạn 3 năm.
“Microsoft cũng sẽ hỗ trợ FPT trong việc triển khai công nghệ và các dịch vụ tới các quốc gia trong khu vực. Chúng tôi rất vui mừng khi có một liên minh chiến lược với một đối tác đầu tiên không chỉ riêng Việt Nam mà còn cả ở khu vực Đông Nam Á”, ông Mundie nhấn mạnh.
Họp báo sau buổi gặp mặt với VietNamNet
Sau lễ ký kết, nhân vật quan trọng thứ 3 này của tập đoàn Microsoft (chỉ sau Chủ tịch Bill Gates và CEO Steve Ballmer) đã có buổi họp báo với các cơ quan thông tấn và báo chí Việt Nam, trong đó có VietNamNet. Sau đây là một số nội dung chính của buổi họp báo:
VietNamNet: – Ngoài FPT, Microsoft có dự định hợp tác với các trường Đại học khác của Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao hay không?
Ông Craig Mundie: – Tôi hy vọng trong tương lai, Microsoft sẽ xây dựng được mối quan hệ với các trường Đại học khác ở Việt Nam. Như các bạn đã biết, đào tạo nguồn nhân lực là một trong những chìa khoá then chốt để phát triển nền kinh tế nói chung, trong đó có nền công nghiệp phần mềm nói riêng.
Sáng nay, trong buổi gặp gỡ Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, chúng tôi cũng đã trao đổi và hy vọng trong tương lai, Microsoft sẽ có cơ hội hợp tác nhiều hơn với Chính phủ Việt Nam trong giáo dục đào tạo ở nhiều cấp từ cấp thấp tới đại học, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực về mặt kỹ thuật. Chúng tôi cũng sẽ giúp Việt Nam triển khai CNTT trong đào tạo tới vùng sâu vùng xa và nông thôn.
Không chỉ có giáo dục, chúng tôi cũng sẽ giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Tôi nghĩ rằng đó là những hướng hợp tác mà chúng ta có thể mở rộng ra hơn ngoài vấn đề chuyển giao công nghệ và hợp tác thương mại thông thường.
Câu hỏi của các cơ quan báo chí khác
Thời báo Ngân hàng: – Là một chuyên gia phát triển công nghệ và chiến lược của Microsoft, ông có lời khuyên nào cho quá trình phát triển CNTT của Việt Nam?
Ông Craig Mundie: – Tôi biết Việt Nam và một số nước khác trong khu vực đang trong quá trình phát triển, từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ, và trong tương lai sẽ là nền kinh tế tri thức. Và để phát triển tới nền kinh tế tri thức, hạ tầng nền CNTT và truyền thông Việt Nam sẽ phải có những thay đổi rất to lớn.
Giáo dục sẽ là một vấn đề hết sức quan trọng và Việt Nam cần chú trọng tới lĩnh vực này, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.
Theo thoả thuận về WTO, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường giáo dục vào năm 2009, để các trường đại học quốc tế tham gia vào thị trường giáo dục Việt Nam. Và tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã ý thức rõ điều này và chuẩn bị sẵn sàng cho thử thách đó.
Khi Việt Nam phát triển Chính phủ điện tử, E-Banking, các nhà đầu tư mạo hiểm và các tập đoàn tài chính sẽ “đổ xô” tới Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ sắp tới. Chính vì vậy cần phải tạo ra một thị trường rộng lớn hơn, và cơ sở cho thị trường đó chính là CNTT và truyền thông.
Để phát triển nền kinh tế tri thức, Chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, để bảo đảm quyền lợi cho cả người sáng tạo các sản phẩm trí tuệ và quyền lợi của người sử dụng.
VietNamNet: – Được biết dự định về một thoả thuận ký kết giữa Microsoft và Chính phủ Việt Nam nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC 14 chưa thể trở thành hiện thực. Ông có thể cho biết mục tiêu chính của mình trong chuyến thăm Việt Nam lần này là gì?
Ông Craig Mundie: – Trong bài phát biểu vừa nãy, ông Bùi Mạnh Hải cũng đã đề cập đến việc Chính phủ Việt Nam sẽ chú trọng tới vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Cũng như các nước khác, một trong những bước thực thi quyền sở hữu trí tuệ đầu tiên là bản thân Chính phủ VN cần phải đi đầu trong việc tôn trọng bản quyền, sau đó mới tới các doanh nghiệp và cuối cùng là người dân.
Đặt vấn đề này lên bàn thảo luận với Chính phủ Việt Nam đương nhiên sẽ là mục tiêu mà Microsoft và các tập đoàn công nghệ khác luôn mong muốn hướng đến.
Bưu điện VN: – Microsoft đã hiện diện ở Việt Nam hơn 10 năm nay, nhưng không như những tập đoàn công nghệ lớn khác như Intel, Microsoft không có một dự án đầu tư tầm cỡ nào tại thị trường Việt Nam. Liệu sau thoả thuận này sẽ có sự thay đổi nào không?
Ông Craig Mundie: – Khác với Microsoft, các hãng công nghệ lớn như Intel sản xuất về phần cứng máy tính và họ có những dự án xây dựng các nhà máy sản xuất. Tuy nhiên Microsoft không sản xuất thiết bị phần cứng mà là các phần mềm, sản phẩm của tri thức.
Chúng tôi không cần những điều kiện cơ sở vật chất như nhà máy để tạo ra sản phẩm phần mềm. Ngoài ra, quá trình nghiên cứu và đầu tư phát triển của Microsoft cũng chỉ thực hiện ở Mỹ, không bao giờ thực hiện ở nước ngoài.
Theo Vietnamnet