Giới chuyên môn cho rằng khi giá cước dịch vụ di động vẫn đạt mức lợi nhuận cao thì các nhà cung cấp dịch vụ sẽ không chú ý đến việc phát triển nội dung trên mạng di động. Vì vậy, cho đến thời điểm này, nội dung trên mạng di động vẫn là những dịch vụ rất đơn giản và chưa có nhiều tiện ích cho khách hàng.
Cước dịch vụ di động vẫn cao
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, thị trường thông tin di động chỉ thực sự bước vào cạnh tranh khi mà Viettel Mobile chính thức cung cấp dịch vụ. Trong thời gian gần đây, rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ nội dung đã hợp tác với các mạng di động để tung ra các dịch vụ giải trí cho khách hàng, đặc biệt trong mùa World Cup 2006. Tuy nhiên, hầu hết những dịch vụ này vẫn theo kiểu “mì ăn liền” hết sức giản đơn như nhắn tin trúng thưởng, tải nhạc chuông chứ chưa phải là những dịch vụ có nhiều tiện ích cho người sử dụng.
Nói như Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông (BC-VT) Nguyễn Thành Hưng, hiện các mạng di động Việt Nam vẫn chỉ cạnh tranh ở mức thấp như khuyến mãi giảm giá chứ chưa thực sự chú ý đến việc tạo ra các giá trị dịch vụ cho khách hàng.
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao công nghiệp nội dung cho mạng di động chưa phát triển tại Việt Nam trong khi tốc độ phát triển mạng di động luôn ở mức bùng nổ? Các mạng di động cho rằng, hiện nhu cầu sử dụng của người dùng Việt Nam chủ yếu là dịch vụ thoại và khi nào thị trường có nhu cầu và các dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) thì các nhà khai thác sẽ phát triển.
Theo báo cáo của VNPT tại Telecomp 2006, hiện tại, tỷ lệ sử dụng dịch vụ thoại trên mạng VinaPhone/MobiFone là 80%, 20% còn lại sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng. Còn với mạng Viettel, theo tìm hiểu của e-Chip MOBILE thì tỷ lệ này là 85% đối với dịch vụ thoại và 15% với dịch vụ GTGT. Thế nhưng, các chuyên gia trong lĩnh vực này lại nhận định, nguyên nhân cơ bản khiến các mạng di động vẫn chưa mặn mà với công nghiệp nội dung bởi hiện nay cước điện thoại di động (ĐTDĐ) vẫn có lời cao.
Chẳng hạn như một tin nhắn nội dung, nhà cung cấp dịch vụ chỉ thu được của khách hàng vài trăm đồng (chưa kể đến ăn chia với nhà cung cấp nội dung), trong khi đó với mỗi phút thoại, nhà cung cấp có thể lời tới cả một ngàn đồng. Vì vậy các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động cũng chẳng phải lao tâm khổ tứ để phát triển dịch vụ GTGT. Hơn nữa, để phát triển các dịch vụ kiểu như: xem phim theo yêu cầu (VOD) hay nghe nhạc theo yêu cầu (MOD)…, buộc lòng các nhà cung cấp phải nâng cấp tốc độ truyền dữ liệu của mạng, mà việc này tương đối tốn kém, dẫn đến giá cước dịch vụ cao và chỉ có một số nhỏ người dùng mong chờ sử dụng các dịch vụ đó.
Ngoài ra, mật độ điện thoại của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Theo thống kê của Bộ BC-VT, Việt Nam hiện có 12 triệu thuê bao di động so với 80 triệu dân, tương đương với tỷ lệ khoảng 15% dân số sử dụng di động. Trong khi đó, tỷ lệ này với các nước phát triển như khu vực Bắc Âu là 100%, vì vậy, các mạng di động tập trung phát triển thuê bao để giành lợi thế quy mô hơn là đi phát triển dịch vụ giá trị dịch vụ gia tăng cho khách hàng. Điều này lý giải vì sao trong thời gian qua, các mạng di động chỉ tập trung mở rộng mạng lưới và đưa ra ra các chương trình khuyến mãi, giảm cước luôn ở mức “gây sốc” để thu hút thuê bao mới.
Bao giờ bùng nổ nội dung cho mạng di động?
Các chuyên gia phân tích cho rằng, chỉ khi giá cước cuộc gọi giảm và lợi nhuận từ dịch vụ này không còn nhiều thì các mạng di động mới tập trung phát triển các dịch vụ GTGT. Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy khi thuê bao đã phát triển ở mức bão hòa; các nhà cung cấp dịch vụ “không còn cửa” để phát triển thuê bao nữa và giá cước liên lạc rất thấp, họ sẽ quay lại phát triển các dịch vụ GTGT để tăng doanh thu.
Tính đến thời điểm này, dịch vụ giá trị gia tăng của các mạng di động mới chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu, trong khi đó ở các thị trường di động trên thế giới có mức trung bình là 45%. Một chuyên gia trong lĩnh vực thông tin di động nhận xét các mạng di động của Việt Nam sẽ chỉ tập trung phát triển dịch vụ GTGT khi mà cước thông tin di động giảm xuống dưới mức 1.000 đồng/phút và mật độ sử dụng ĐTDĐ đạt trên 30%.
Thời gian gần đây, cước ĐTDĐ tại Việt Nam liên tục giảm mạnh. Tập đoàn BC-VT (VNPT) cũng vừa giảm 5% cước nội mạng của mình áp dụng từ ngày 1/10/2006. Đặc biệt, các mạng CDMA đang có những động thái quyết liệt. Điển hình là S-Fone khi nhà cung cấp này đưa ra gói cước Forever Couple với mức cước được ví gần như cho không, bởi mỗi tháng khách hàng chỉ phải trả 44.700 đồng để duy trì dịch vụ và gọi miễn phí không giới hạn thời gian đến một thuê bao S-Fone chỉ định trước. Cuộc đua giảm cước này có thể sẽ được đẩy mạnh hơn khi mà có thể chỉ vài tuần nữa, mạng 092 của Hanoi Telecom sẽ chính thức đưa vào khai thác. Vì vậy, có thể sang đến năm 2008, cước dịch vụ di động sẽ ở mức “không còn lợi nhuận nhiều” vì các nhà khai thác sẽ đua nhau giảm giá để hút thuê bao.
Một chuyên gia nhận định, vào thời điểm năm 2008, cước dịch vụ thông tin di động rất có thể sẽ ở mức 700 đồng/phút và tiến gần đến giá thành. Và cùng với cơn lốc giảm giá, nội dung cho mạng di động sẽ được các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động hướng mạnh tới để tăng doanh thu và đưa ra nhiều dịch vụ hấp dẫn khách hàng.
Vị chuyên gia này khẳng định, năm 2008, nội dung cho mạng thông tin di động chắc chắn sẽ bùng nổ. Vào thời điểm đó, những dịch vụ tiện ích như thanh toán qua mobile, xem phim theo yêu cầu, dịch vụ định vị… sẽ là những dịch vụ hái ra tiền của các nhà cung cấp mạng di động.
Theo echipMobile