Nguyên nhân gây ra tình trạng nói trên chính là chiếc bàn phím “tù túng” của những “chú dế” xinh xinh. Người sử dụng thường phải bấm ít nhất vài lần mới có thể tìm được ký tự mà mình mong muốn. Chính vì thế mà một trong những ưu tiên hàng đầu của các hãng sản xuất ĐTDĐ trên thế giới hiện nay là giải quyết sự bất tiện đó.
Đại diện hãng điện thoại Hàn Quốc cho rằng: “Người dùng đã cảm thấy mệt mỏi nếu phải soạn thảo một tin nhắn dài hoặc nhiều tin nhắn liên tục. Để giúp họ vượt qua sự bất tiện này, LG đã quyết định chuyển sang sử dụng bàn phím ảo cảm ứng”. Sản phẩm mới mang tên Chocolate là một minh chứng cho sự thuận tiện nói trên. Tính từ thời điểm ra mắt tháng 5/2005 đến nay, LG đã bán được hơn 3 triệu sản phẩm điện thoại Chocolate.
Còn Samsung đang hy vọng sẽ tiến xa hơn với mẫu ĐTDĐ thế hệ thứ ba SGH-Z610. Chiếc điện thoại này có bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng rộng giúp cho người dùng soạn thảo các tin nhắn dễ dàng và hiệu quả hơn. SGH-Z610 chỉ có 5 phím bấm, gồm 3 phím điều khiển và hai phím bật – tắt. Nếu trước đây, người dùng cần bấm các phím 10 lần để ra “Hello” thì bàn phím của SGH-Z610 chỉ cần bấm 5 lần.
“Bàn phím” của tương lai
Những chiếc điện thoại QWERTY được trang bị bàn phím giống với bàn phím của PC xuất hiện cũng nhằm đáp ứng mong muốn được nhập các ký tự nhanh và tiện lợi hơn của người dùng. Một số hãng sản xuất ĐTDĐ lớn trên thế giới hiện đã tung ra các loại sản phẩm được trang bị bàn phím QWERTY, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là sản phẩm BlackBerry của RIM.
Tuy nhiên, hiện nay, các nhà phát triển đang hình thành một loại thiết bị nhập dữ liệu đầu vào mới, có thể thay thế cho các loại bàn phím.
Hãng Sprint Nextel (Mỹ) mới gần đây đã tiết lộ đôi chút về thiết kế mới này. Mô hình thiết kế mới của Sprint Nextel cho phép người dùng sử dụng giọng nói để nhập các dữ liệu vào ĐTDĐ. Người dùng sẽ chỉ cần bấm một nút bấm, nói tên người nhận và đọc các tin nhắn. Và chỉ chưa đầy một phút sau, tin nhắn sẽ hiển thị đầy đủ lên trên màn hình của thiết bị, người dùng chỉ còn làm công việc cuối cùng là bấm phím để gửi tin nhắn đi.
Tương tự, Motorola cũng đã có kế hoạch bắt đầu quảng cáo sản phẩm ĐTDĐ có khả năng nhận diện giọng nói.
“Công nghệ nhận dạng giọng nói sẽ là công nghệ chiếm vị trí thống trị trong thiết kế giao diện người dùng ĐTDĐ trong tương lai,” chuyên gia phân tích Kim Kyung-mo nhận định. “Và những ĐTDĐ với bàn phím ảo dựa trên nền tảng công nghệ trình chiếu ba chiều vốn chỉ có trong các phim khoa học viễn tưởng cũng sẽ xuất hiện trên thị trường”.
Tuy nhiên, ông Kim dự báo, sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa thì người dùng mới được thấy những sản phẩm như thế, bởi hiện tại vẫn còn quá nhiều rào cản về mặt kỹ thuật trong việc phát triển những thiết bị đó.
Theo VNN