Ma trận, bộ phim giả tưởng quyến rũ khán giả nhờ trí tưởng tượng phong phú với một thế giới ảo hoàn toàn điều khiển bằng ý nghĩ. Nhưng rất có thể, giờ đây ý tưởng đó không còn xa hiện thực bao nhiêu với một sản phẩm mới có sự góp mặt của hai người Việt trẻ.
Công ty Emotiv Systems vừa giới thiệu thiết bị điều khiển trò chơi bằng ý nghĩ – sản phẩm hóa những ý tưởng đột phá táo bạo đã được giới công nghệ nghiên cứu trong nhiều năm nay.
Thế giới điều khiển trò chơi
Vài năm trở lại đây, thế giới trò chơi đã có những phát triển vượt trội với sự ra đời của nhiều máy chơi game kỹ thuật cao như PlayStation 2 và PlayStation 3 do Sony phát hành.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian không xa nữa khi thiết bị điều khiển game bằng ý nghĩ của Emotiv Systems ra đời, PlayStation 2 và PlayStation 3 và những thiết bị chơi game bằng tay nói chung có thể sẽ phải lùi vào dĩ vãng và nhường chỗ cho một thế hệ điều khiển hoàn toàn mới và hiện đại bậc nhất của thế giới.
Thiết bị điều khiển trò chơi bằng ý nghĩ mang tên Project Epoc, được thiết kế dựa trên hệ thống các cảm biến thu nhận các tín hiệu từ vỏ não.
Project Epoc là một bộ điều khiển dùng để treo trên đầu của người chơi. Nó sử dụng các bộ cảm biến để thu thập các tín hiệu điện được sinh ra tự nhiên bởi bộ não để khám phá những suy nghĩ, cảm xúc và sự diễn cảm của người chơi.
Emotiv có cấu tạo bao gồm 3 phần, mỗi phần là một bộ cảm biến có chức năng khác nhau.
Bộ cảm biến thứ nhất được nhóm đặt tên là Expressiv có nhiệm vụ nhận dạng các biểu lộ khác nhau của con người thông qua vẻ mặt ví dụ như nhăn trán, nháy mắt, mỉm cười, các chuyển động của lông mày… Dữ liệu thu được từ cảm biến này sẽ được cung cấp cho máy tính để sử dụng cho các game hoá thân mà nhân vật trong game biểu lộ các cảm xúc như con người.
Các thành viên của Emotiv Systems tại San Francisco: (Từ trái qua phải) Đỗ Hoài Nam, Randy Breen, David Allsop, Lê Thị Thái Tần và Marco Della Torre.
Bộ cảm biến thứ hai mang tên Affectiv có nhiệm vụ phát hiện và thu nhận các trạng thái cảm xúc của người chơi như trạng thái hưng phấn, trạng thái mệt mỏi chán nản… Các trạng thái này là dữ liệu đầu vào để máy tính tối ưu hoá trong việc giao nhiệm vụ cho người chơi để mang lại hiệu quả chơi cao nhất.
Cognitiv – Bộ cảm biến thứ 3 cho phép người chơi dùng ý nghĩ để điều khiển các thiết bị ảo. Bộ cảm biến này hỗ trợ 12 hành động thông dụng nhất như tiến, lùi, rẽ trái, rẽ phải, quay lại, nâng lên, đặt xuống…
Mặc dù chưa thể tung ra thị trường nhưng theo Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị Emotive Systems, công ty sẽ giới thiệu một phần Project Epoc tại Hội nghị các nhà phát triển games 2007, diễn ra tại San Francisco từ 5-9/3.
Sáng lập Project Epoc
Project Epoc là sản phẩm của công ty Emotiv System do 4 thành viên sáng lập nên, bao gồm: Chuyên gia trong lĩnh vực thần kinh học Allan Snyder, nhà thiết kế chip Neil Weste, chuyên gia công nghệ Đỗ Hoài Nam và Lê Thị Thái Tần – 2 gương mặt tiêu biểu của thế hệ Việt kiều trẻ. Nhóm phát triển Project Epoc có trụ sở chính tại San Francisco, Mỹ trong khi trung tâm nghiên cứu não bộ tại Sydney, Australia. |
Đỗ Hoài Nam là cựu sinh viên chuyên Lý trường Hà Nội-Amstecdam trong khi Lê Thị Thái Tần là cô gái Việt kiều nhận danh hiệu “Người Úc trẻ” năm 1998 – giải thưởng hàng năm uy tín nhất dành cho một công dân Úc trong độ tuổi 16-25.
Tần từng làm việc cho công ty luật lớn nhất của Australia – Freehills trước khi trở thành người đồng sáng lập của Emotiv Systems. Thái Tần cũng có mặt trong danh dách những người nổi tiếng “Who is Who” năm 1999 của Australia và xuất hiện trên hành loạt các chương trình truyền hình.
Theo Dân trí/Zdnet, Emotiv