Trước sự bùng nổ của blog/weblog cá nhân, các forum (diễn đàn) đang chịu sự cạnh tranh của một đối thủ nặng ký. Một bên đang gia tăng số lượng một cách chóng mặt, còn bên kia đứng trước sự sàng lọc gay gắt để lôi kéo thành viên.
Blog phất, forum “tuột dốc”?
Khi chính các diễn đàn còn đang bận cạnh tranh gay gắt với nhau thì chúng đã bị “đàn kiến” blog lũ lượt tiến vào “chia khách”. Ví dụ, có vài chục diễn đàn về âm nhạc tại Việt Nam và chỉ một vài trong số đó “đắt hàng”, có tên có tuổi đã đủ làm độc giả hoa mắt. Nay trên blog, ai cũng có quyền bàn về âm nhạc, và trong số đó, khó đếm xuể số người biến blog của mình thành nơi thảo luận những chủ đề nóng bỏng về âm nhạc trong, ngoài nước. Thế là những bài hay do các thành viên viết ra, ngày trước còn đưa lên forum để thảo luận thì nay post trên blog để bạn bè “comment”. Khi đưa bài lên blog thì cũng không “bị” người quản trị nào can thiệp.
Từ khi viết blog, Bem là một cái tên được biết tới nhiều với những bài viết về âm nhạc. Hay Kool Cheng, manager của ca sĩ H.T cũng vậy, nổi hơn từ bài viết trên blog chứ không phải từ diễn đàn. Họ cũng tham gia các diễn đàn âm nhạc, nhưng dấu ấn cá nhân của họ ở đó cũng không “đậm” bằng trên blog.
Qua những ví dụ này thấy được hiện tượng nhiều diễn đàn hiện nay đang “khủng hoảng thiếu” những bài viết hay. Chẳng thế mà một admin của diễn đàn Trái tim Việt Nam Online (TTVNOL) đã than rằng, blog đang cướp khách của diễn đàn này và các bài viết có chất lượng bị giảm đáng kể. Cứ thử kiểm nghiệm số bài viết được post lên và hồi đáp (reply) ngay trên TTTVNOL so với số bài viết mới (cùng với comment) ùn ùn suất hiện trên blog có thể thấy được điều này. Khi hầu hết quỹ thời gian dành để chăm chút cho trang thông tin cá nhân của riêng mình, để nó không “thua chị kém em” thì đâu còn mấy thời gian dành cho dạo chơi, lang thang “phố rùm” (forum) – “mốt” của một thời.
Theo một admin của diễn đàn về điện tử thì chính các diễn đàn cũng đang trở nên “bão hòa”. Từng là admin của một diễn đàn điện tử khác, nên anh Đoàn Hiệp đã nhận thấy rõ sự “trồi sụt” của những diễn đàn cùng chủ đề.
“Vấn đề đặt ra bây giờ là làm sao để diễn đàn không bão hòa?”, anh Hiệp tự đặt câu hỏi. Và trong cuộc cạnh tranh này thì theo anh Hiệp, diễn đàn nào vận hành kém, tổ chức không tốt, thiếu đầu tư tiền của, công sức sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Một số diễn đàn hiện nay hoạt động theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, phát cuồng vì quảng cáo thu tiền mà thiếu quan tâm đến chất lượng bài viết, tổ chức lộn xộn… nên đã trở nên èo uột, đứng trước nguy cơ “chết yểu”. Như vậy thì một diễn đàn nhiều người tạo nên cũng chưa chắn quy củ bằng một trang blog cá nhân được chăm chút kỹ.
Giải pháp đôi bên cùng có lợi
Nếu đặt câu hỏi “Sự bùng nổ của blog cá nhân có de dọa sự tồn tại của các diễn đàn hay không?” thì e là quá xa vời, vì mỗi loại hình có chức phận, đặc trưng riêng. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi thì đa số bạn trẻ được hỏi cho biết, khi có blog thì phần lớn thời gian “lướt net” dành cho nó mà bỏ bê việc viết bài hoặc tạt qua các diễn đàn. Chỉ đến khi có vấn đề chung bức xúc mà nhiều người cùng quan tâm, muốn tranh luận về một chủ đề mang tính chuyên môn hoặc có tính khu biệt đối tượng cao thì mới tìm đến các topic của forum để “xả”!
Một điều rõ ràng là blog thì “riêng” còn forum là “chung” (nhìn nhận một cách tương đối). Cả hai nơi đều có sự tự do nhất định, “ăn nói gói mở” đều không… mất phí, nhưng bao giờ người ta cũng quan tâm đến cái riêng, gần gũi với mình hơn. Chưa kể, để lập forum thì khá phức tạp, tốn kém, còn blog thì “thích bao nhiêu cũng có”, còn được coi là “ngôi nhà trên mạng” của mỗi người…
Thế nên khi đang đứng trước xu hướng “bão hòa” và nay lại có sự cạnh tranh từ blog thì mỗi diễn đàn cần nâng cao chất lượng hoạt động của mình. Cần có những nội dung, chương trình hoạt động thiết thực hơn, tăng cường những cuộc offline mang tính cộng đồng giàu ý nghĩa.
“Với diễn đàn về điện tử này, chúng tôi chọn cách nâng cao số lượng thành viên và tạo nên sự gắn bó với diễn đàn bằng cách thực hiện những dự án gắn với thực tế. Hướng đi của chúng tôi là hợp tác với các trường có khoa CNTT, điện tử viễn thông để triển khai các dựa án dành cho sinh viên, đưa diễn đàn không chỉ là nơi trao đổi thông tin, thảo luận mà còn là để học tập, nâng cao kiến thức”, anh Đoàn Hiệp nói.
“Tại sao không khai thác điểm mạnh riêng của blog, của diễn đàn để đôi bên cùng có lợi?”, một thành viên bày tỏ trên TTVNOL. Thực tế điều này đã được thực hiện khi trên blog của hầu hết mọi người đều có phần “My Blogroll” để liên kết đến những website, diễn đàn được yêu thích. Trên diễn đàn thì rất hay bắt gặp các đường link đến các trang blog cá nhân hoặc nhiều thành viên “chui” vào forum để tiếp thị blog của mình.
Nhưng đây mới chỉ là những “hợp tác” nhỏ. Để tận dụng thế mạnh của nhau thì mod hay admin của các diễn đàn hay chủ nhân của các trang blog cần có sự “tương tác” nhiều hơn vì bài hay trên blog có thể tạo thành “làn sóng” tranh luận trên các diễn đàn, ngược lại, bài trên diễn đàn có thể dùng để làm mới nội dung trên blog… Thông tin được chọn lọc tốt bao giờ cũng là những thông tin có nhiều giá trị hơn với mỗi người tiếp nhận.
Bây giờ sẽ không hiếm thấy có bạn học sinh, sinh viên sở hữu cùng lúc blog cá nhân, là người điều hành forum trên mạng và làm website riêng. Tạo nên trang nào mạnh, trang nào yếu trong một chùm công cụ đắc lực như vậy chính là do tài khai thác và xử lý thông tin của mỗi người.
Theo VNN