Trong một buổi uống cà phê cùng nhân viên trong công ty, ngài Vyomesh Joshi, phó giám đốc cấp cao phụ trách bộ phận in của hãng Hewlett-Packard đã bước lên chúc mừng toàn thể anh em vì những thành tích khả quan vừa qua.
Đưa máy in lên web, một thành công nhưng không tự mãn
Ngài Joshi phấn khởi là lẽ đương nhiên, bởi ông có những lý do đáng để ăn mừng, trong tháng 2 vừa qua, HP đã giành phần thắng “trên mọi mặt trận”: doanh thu, lợi nhuận, lãi ròng và cả thị phần cũng cao chót vót.
Tuy nhiên, tiếp sau những lời chúc mừng ấy là một câu chuyện không mấy phấn khích. Chuyện là có lần, một trong những cô con gái của ngài Joshi đang học đại học thủ thỉ bảo bố, “con chẳng cần máy in”. Cũng giống như bao bạn bè cùng lứa, cô bé yêu thích cuộc sống trong thế giới ảo và thấy việc in ấn ra giấy không cần thiết hoặc quá phức tạp.
“Ý nghĩa câu chuyện có thể chẳng khiến các bạn lo ngại, nhưng với tôi thì khác”, Joshi tâm sự.
Ý tưởng chiến lược
Kỷ nguyên Internet cho tới nay đã làm lợi rất nhiều cho các hãng sản xuất máy in. Các con số thống kê của HP cho thấy, có tới một nửa số tài liệu in trong gia đình đều là những nội dung lấy từ Internet như email, các trang web. Trong khi đó các tài liệu kiểu như của Microsoft Word chỉ chiếm gần 20% lượng nội dung in ra.
Song ông Joshi lo ngại, nếu người dùng nhận thấy việc in các trang web ra quá phức tạp, chắc chắn lượng in ra sẽ giảm. Ông đùa một cách tinh tế rằng, nếu như thế, chắc chắn ông sẽ chẳng còn nhiều lần được nhâm nhi cà phê cùng nhân viên trong những buổi mừng doanh thu, lợi nhuận, lãi ròng hay thị phần tăng trưởng như thế này nữa.
Chính vì thế, Joshi đã bắt tay vào triển khai chiến lược có thể coi là không kém tầm quan trọng so với những thay đổi mang tính quyết định trước đó. Đó là những cải biến đã từng đưa HP tới việc xuất xưởng các loại máy photocopy, máy in thương mại cùng công nghệ in ảnh qua dịch vụ trực tuyến Snapfish.com và các cửa hàng in ảnh. Còn giờ đây, Joshi lại muốn HP tìm ra cách thức giúp người dùng in được nhiều trang web hơn.
Ông Charlie Corr, giám đốc tập đoàn InfoTrends, hãng nghiên cứu thị trường nhận định: “Đây là dấu hiệu của chiến lược mở rộng hơn tác dụng đòn bẩy của Internet”. Joshi đã nhận thấy chính các nội dung trên Internet mà cụ thể là cac blog, các thư viện ảnh cá nhân đã trở thành nhu cầu “hối thúc” người dùng in ra. Ông Corr khẳng định “Jossi ấy có một tầm nhìn có thể cải tổ được cách thức và thời điểm in của mọi thứ”.
Tham vọng đang thành hình
Những lo lắng về xu hướng chưa được cụ thể hoá dường như là điều lạ đối với một người như ông Joshi, người đã từng điều hành đơn vị đem lại 30% trong tổng số doanh thu 91,7 tỉ USD và hơn nửa phần lợi nhuận hoạt động cho HP năm ngoái.
Qua bao thăng trầm, HP đã tạo được vị thế là tập đoàn hùng mạnh về in, công nghệ hình ảnh và các kiểu khác nhau của mô hình kinh doanh đắc địa cổ điển: tính giá máy in rất rẻ và kiếm lời từ tiền bán mực.
HP đã “lừa đảo” khách hàng bằng kiểu kinh doanh đó như thể đó là bộ máy hoạt động không ngừng nghỉ. Nếu hãng muốn đạt lợi nhuận cao trong nhiều tháng để bù cho tốc độ phát triển ì ạch của nhiều lĩnh vực khác thì bộ phận của Joshi phải giảm giá thành máy in. Càng bán được nhiều máy in thì càng có nhiều người phải mua các hộp mực có mức lãi ròng cao sử dụng.
Công ty có trụ sở tại Palo Alto, California này đã trở thành thương hiệu quen thuộc về máy in, có tới nửa số máy in bán ra trên thế giới mang biểu tượng của HP. Những đối thủ với gia nhập thị trường như Dell, Samsung và gần đây là Kodak nói chung không đáng ngại lắm. Nỗi bận tâm nhiều nhất với Joshi chỉ là sự thay đổi của thị trường.
Joshi đã nắm bắt được sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng từ việc trước kia họ thường in ảnh số tại nhà nhưng nay lại thích mang ra in ở hiệu. Thế là ông bắt tay vào chiến lược mở các gian hàng in ảnh. Joshi luôn tìm tòi mọi cách thức để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của công ty và chẳng bao giờ thấy thoả mãn.
Sự việc khiến Joshi quay trở lại những trăn trở trong nghề chính là vấn đề của con gái ông. Cô bé chẳng có lỗi gì khi nói rằng cô thấy việc in ấn quả là phiền phức. Thật khó để có thể in những nội dung ra từ trang web dù chúng là blog hay các trang trên MySpace.com, danh sách các trang mua sắm đối chiếu và thậm chí là cả những chỉ dẫn trên Google Map. Các nội dung in ra thường rất lung tung, đầy các khoảng trắng hoặc khi thì hình ảnh bị cắt làm đôi.
Hồi tháng qua, HP đã mua về công ty Tabblo, một hãng phát triển phần mềm trên nền web do tư nhân quản lý ở Cambridge, Massachusette.
Phần mềm của Tabblo giúp tạo ra những mẫu bản in có thể tổ chức lại hình ảnh và những khối văn bản trên trang web để vừa vặn với khổ giấy tiêu chuẩn. Tham vọng của HP là muốn phần mềm này thông dụng và phổ biến như Flash và Acrobat Reader của hãng Adobe System hay Java của Sun Microsysstem.
Ông Pradeep Jotwani, phó giám đốc cao cấp của công ty phụ trách kinh doanh phân phối khẳng định: “Chúng tôi muốn việc in trên mạng cũng dễ dàng như in trên máy tính thông thường”.
Nếu tạo được một cỗ máy in trên mạng, lẽ dĩ nhiên HP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các hãng in khác. Song tất nhiên, với tư cách là “kẻ dẫn đầu”, HP sẽ giành được nhiều lợi nhuận hơn các đối thủ khác. Theo các chuyên gia phân tích, đó mới chỉ là bước đầu mà thôi.
Vài nét về Joshi
Là giám đốc của Yahoo từ năm 2005, Joshi thừa hiểu một công nghệ mới có sức mạnh cải tổ các hãng có nền tảng mạnh như thế nào. Đam mê với tham vọng cải tổ đó, ngoài những lúc đọc tiểu thuyết và xem phim, Joshi dành toàn bộ thời gian để đọc sách về đề tài này. Niềm đam mê đó dường như hơi bất thường đối với một vị giám đốc đã dành toàn sự nghiệp ở một công ty.
Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật tại Ấn Độ, quốc gia cũng là nơi sinh trưởng của ông, Joshi giành được một học bổng tại bang Ohio. Ông bảo vệ tiến sĩ về kỹ thuật điện tử tại đó năm 1980. Sau đó, HP thuê ông vào vị trí kỹ sư về máy in phun. Trong suốt sáu tháng đầu nhận việc, Joshi đã phải đi bộ từ nhà tới nhà máy và trung tâm nghiên cứu của công ty nằm trên một quả đồi xa tít gần San Diego.

“Tôi đã chẳng có xu nào hết”, Joshi nhớ lại. Mặc dù năm ngoái ông kiếm được 12,2 triệu USD gồm cả lương, thưởng, tiền lời cổ phiếu, song ông vẫn sống trong ngôi nhà rất mực giản dị cách nhà máy khoảng gần một dặm.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên Joshi được giao chính là tìm cách tăng độ bền của các đầu máy in phun. Thường thì các hộp mực bị hỏng sau khi phun khoảng 600.000 giọt mực. Joshi đã tìm cách tăng số lần phun ấy lên 45 triệu. Điều này có nghĩa, các hộp mực sẽ hết trước khi đầu máy in hỏng. Sáng kiến này Joshi đùa vui là đã mở ra hướng phát triển cho ngành công nghiệp thay mực cho máy in, một “hiểm hoạ” ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của HP.
Theo VietNamNet/CNET