Thời điểm này rất lý tưởng để nâng cấp bộ xử lý (BXL) bởi chưa bao giờ giá rẻ và chủng loại phong phú như vậy. Người dùng có thể lựa chọn từ CPU lõi đơn, kép, tam, tứ tùy theo nhu cầu. Mặc dù việc lựa chọn này mới nghe có vẻ dễ dàng nhưng mọi chuyện lại không đơn giản khi có rất nhiều sản phẩm thú vị, đặc biệt là nếu bạn muốn lắp chiếc máy giá rẻ cho văn phòng hoặc gia đình. Chúng ta sẽ xem xét tình hình chung của thị trường CPU với mức giá từ thấp tới cao và cũng sẽ bỏ qua đa số CPU lõi đơn vì giá của chúng so với CPU lõi kép chỉ thua kém chút ít mà hiệu năng lại không thể bằng được.
Nên mua CPU gì?
Ở mảng sản phẩm giá cực rẻ, Intel chỉ cung cấp cho người dùng CPU Celeron. Những mẫu thấp nhất trong dòng này vẫn dựa trên kiến trúc Prescott cũ và nóng. Nếu định nhắm vào Celeron, bạn nên chọn các mẫu dựa trên nhân Conroe của Core 2 Duo/Quad mới ví dụ như Celeron D430 (677.000đ) một phần vì chúng tiết kiệm điện hơn nhiều (tiêu thụ chỉ khoảng 35W). Trong khi đó, về phía AMD, chúng ta có Sempron 64 LE-1150 2GHz với công suất tiêu thụ điện vào khoảng 45W và hiện đang được nhiều cửa hàng bán hạ giá. Phiên bản LE-1250 cao hơn chút ít có giá chỉ 590.000đ.
Chuyển qua nhóm lõi kép thì mẫu rẻ nhất của AMD ở thị trường Việt Nam hiện nay là Athlon X2 4200+ 2,2GHz (950.000đ) rẻ hơn chút ít so với Intel Celeron E1400 (2,0GHz) giá 995.000đ. Nếu lựa chọn Celeron, bạn sẽ có thể nâng cấp lên các dòng Core 2 cao cấp về sau này vì chúng dùng chung socket LGA 775. Với mức giá như thế này, rõ ràng các mẫu lõi kép đang dần đẩy lõi đơn vào “tuyệt chủng”.
Dĩ nhiên, vào thời điểm hiện tại thì mảng thị trường giá rẻ vẫn thuộc về AMD không chỉ ở CPU mà còn cả chipset trên các bo mạch chủ. Tuy nhiên nếu xét ở mức giá nhỉnh hơn chút ít (dưới mốc 100USD) thì Intel lại đẩy AMD qua một bên với các dòng Pentium Dual Core E2xxx và Core 2 Duo E5xxx mới ra mắt. Bạn có thể mua mẫu E2160 (1,8GHz) với giá chưa tới 1.100.000đ hoặc E5200 (2,5GHz/45nm) chỉ với 1.400.000đ. Đây là những mức giá rất tốt so với hiệu năng mà chúng đem lại đặc biệt khi những mẫu CPU này có tiềm năng ép xung rất lớn. Trong khi đó, AMD cũng vừa tung ra các chip lõi kép dựa trên kiến trúc K10 mới với tiên phong là Athlon X2 7750 Black Edition (2,7GHz) với giá khoảng 100USD nhưng hiện chưa có ở thị trường trong nước. Với mức giá vào khoảng giữa E5200 và E5300, X2 7750 có tỉ lệ giá thành/hiệu năng khá tốt dù mức công suất tiêu thụ điện khá lớn. Tuy vậy, ngoài khoảng giá này, toàn bộ thị trường CPU lõi kép đều bị Intel thống trị bởi các mẫu 45nm và AMD hầu như chưa có sản phẩm cạnh tranh nếu chỉ xét ở khía cạnh hiệu năng. Hiện tại, mẫu lõi kép cao nhất của AMD (tại Việt Nam, hiện AMD lõi kép mạnh nhất là Athlon X2 6000+) chỉ có giá xấp xỉ 100USD như đã đề cập ở trên trong khi E8500 (3,0GHz) của Intel đã có giá gấp đôi và đây vẫn chưa phải là lựa chọn lõi kép cao nhất mà Intel cung cấp cho người dùng.
Tuy với khoảng 2.000.000đ, bạn có thể mua E7300 (2,66GHz) hoặc 3.000.000đ cho E8400 nhưng hiện tại, đây là giải pháp không thực sự sáng suốt bởi với khoản tiền này, bạn đã có thể nhắm tới nhiều sản phẩm lõi tứ của cả AMD và Intel. Dĩ nhiên, chúng ta không thể bỏ qua các sản phẩm Phenom lõi tam mà AMD hiện đang rất tự hào. Về cơ bản, chúng là sản phẩm Phenom lõi tứ nhưng có một lõi bị vô hiệu hóa. Ngoài giá rẻ, Phenom X3 còn có một mục đích khác: thống trị thị trường CPU 3 lõi. Hiện tại, Intel chưa có bất cứ sản phẩm nào thuộc nhóm này nên AMD vẫn giữ ưu thế tuyệt đối. Phiên bản Phenom X3 rẻ nhất là 8450 có xung nhịp 2,1GHz với mức giá chỉ 1.822.000đ có vẻ như là một lựa chọn tốt. Nhưng nếu bạn là dân ép xung hoặc chỉ quan tâm đến game, các dòng CPU lõi kép với khả năng ép xung tốt, xung nhịp cao sẽ là lựa chọn hợp lý hơn cả.
Cuộc cạnh tranh không ngừng giữa AMD và Intel luôn nóng bỏng từ CPU đơn lõi đến hiện tại là 4 lõi và mang lại lợi ích cho người dùng. Thế hệ Phenom X4 K10 mới của AMD ngay từ đầu đã không có ưu thế cạnh tranh ngay cả khi xét ở mức đồng hạng 65nm. Tuy AMD liên tục cố gắng giảm giá Phenom X4 nhưng giá mỗi đơn vị sản phẩm chỉ rẻ hơn chút ít và không đủ sức thuyết phục về hiệu năng. Tuy nhiên, các CPU lõi tứ của AMD cũng có lợi thế nhất định khi theo các thông số thì điện năng tiêu thụ cũng như lượng nhiệt tỏa ra tương đối thấp so với những BXL lõi tứ của Intel. Phiên bản Phenom X4 rẻ nhất trên thị trường hiện tại là 9550 (2,2GHz), giá 2.590.000đ, rẻ hơn khoảng 40% mẫu lõi tứ rẻ nhất từ Intel là Q8200 (2,33GHz/45nm/3.713.000đ). Trên thực tế, Q8200 là lựa chọn lõi tứ tốt hơn so với Phenom 9550 nếu chỉ xét về công nghệ và hiệu năng nhưng vấn đề giá cả sẽ khiến nhiều người dùng muốn đến với lựa chọn của AMD hơn. Lưu ý rằng hiện tại, bạn vẫn có thể tìm được các dòng CPU lõi tứ 65nm Kentsfield ví dụ như Core 2 Quad Q6600 nhưng rõ ràng các sản phẩm 45nm mới như Q8200 hoặc Q9300 vẫn là lựa chọn tốt hơn.
Đọc tới đây, bạn chắc hẳn sẽ quan tâm tới các mẫu CPU Core i7 vừa được Intel giới thiệu ở thị trường Việt Nam. Trong toàn bộ dòng sản phẩm mới này, chỉ có mẫu i920 (2,66 GHz, giá 5.400.000đ) là đáng để xem xét bởi ngay mẫu cao hơn một cấp là i940 (2,93GHz) đã có giá gần gấp đôi (10.150.000đ). Đây thực sự là một khoản lớn, chưa kể tới chi phí khá cao mà bạn sẽ phải chi cho bo mạch chủ X58 cao cấp với socket mới LGA 1366 và bộ nhớ DDR3 tương thích dòng CPU Core i7. Chính vì thế, nếu bạn quan tâm tới Core i7, lựa chọn tốt nhất hiện tại là… chờ đợi! Về phía AMD, Phenom II (tên mã Deneb) thực sự là một sự thay đổi lớn. Theo nguồn tin riêng, đầu tháng 1/2009, AMD Việt Nam sẽ tung ra CPU AMD Phenom II X4 song song với nền tảng AMD Dragon Platform. Phenom II ban đầu sẽ được bán ra chủ yếu là 2 dòng AMD Phenom II X4 940 Black Edition và AMD Phenom II X4 920 nhưng hiện tại chúng ta chưa có thông tin về giá bán lẻ cụ thể. Ngoài ra, về mặt hiệu năng, dù Phenom II được giới chuyên môn đánh giá rất cao nhưng nó sẽ chưa thể địch lại với Core i7. Tuy thế, giá rẻ sẽ vẫn là lợi thế của AMD, chưa kể tới việc Phenom II tương thích ngược rất tốt nên người dùng sẽ không phải đầu tư thêm một khoản lớn vào bo mạch chủ cũng như bộ nhớ mới. Một số thử nghiệm sơ bộ cho thấy Phenom II cũng có khả năng ép xung cao và có thể đạt ngưỡng 4-5GHz dễ dàng (với giải pháp làm mát phù hợp).
Bên cạnh mảng sản phẩm cho máy để bàn. Intel cũng mở rộng mảng vi xử lý di động. Ngoài việc tăng cường các mẫu CPU Penryn 45nm mới dành cho MTXT thì trong năm 2008, sản phẩm nổi bật và thành công hơn cả của Intel chính là CPU Atom. Bộ xử lý giá rẻ này của Intel được sử dụng trong hầu hết các dòng netbook hiện có mặt trên thị trường. Hiện những CPU Atom này cũng đã lấn sân sang lĩnh vực desktop khi một số sản phẩm BMC giá “siêu” rẻ như Intel D945GCLF, Jetway NC91-230-LF v.v. đều được “đính” kèm theo một CPU Atom. Phần lớn các hãng sản xuất netbook trên thị trường như Asus, Dell, HP, Lenovo, Toshiba và một số hãng khác đều sử dụng Intel Atom trong dòng máy tính xách tay cỡ nhỏ của hãng. Trong khi đó, Intel Atom với tên mã Diamondville (thông dụng nhất là Atom N270 1,6 GHz) là phiên bản dành cho netbook, ra mắt vào 06/2008 và hiện có mặt trong hầu hết các loại netbook “đình đám” như Asus Eee PC, Acer Aspire One, Dell Inspiron Mini, Gigabyte M912, Toshiba NB100 và MSI Wind. Sau Diamondville, trong tháng 9/2008, Intel giới thiệu Atom 330 – phiên bản Atom 2 nhân đầu tiên dành cho các dòng máy desktop và Netbook cao cấp. Bộ xử lý này vẫn có xung nhịp 1,6GHz nhưng công suất TDP là 8 watt. Dự kiến, thế hệ tiếp theo của Atom (Pineview) sẽ xuất hiện trên thị trường trong nửa sau năm 2009. Pineview sẽ gồm cả lõi xử lý và lõi đồ hoạ trên cùng một đế chip. Với Atom thế hệ mới này, Intel sẽ có những thay đổi trong thiết kế nhằm giảm năng lượng tiêu thụ. Mặc dù doanh số của Atom đang rất tốt nhưng Intel lại có vẻ không tin tưởng vào tương lai của Netbook cho lắm. Theo Stu Pann – phó chủ tịch phụ trách bán hàng và tiếp thị của Intel: “Nếu đã từng sử dụng một chiếc netbook với màn hình 10”, hẳn bạn sẽ thấy rằng mọi thứ đều ổn nhưng chỉ trong vòng khoảng 1 giờ. Những chiếc máy tính kích thước nhỏ không phải là thứ mà bạn có thể thích thú khi phải dùng liên tục cả ngày”. Song song với nhiều hứa hẹn về Atom, theo báo giá mới nhất của Intel (phát hành ngày 28/12/2008), hãng đã mở rộng thêm dải sản phẩm CPU 45nm. Trong số các chip mới được công bố, nhanh nhất là CPU lõi tứ Q9x00. Phiên bản Q9000 có xung nhịp 2,00GHz, FSB 1066MHz, 6MB L3, công suất điện tiêu thụ 45W và giá bán rơi thấp hơn nhiều so với mẫu QX9300 hiện nay. Cao hơn một chút là Q9100 nhưng mức giá của nó dự kiến gấp đôi Q9000 nên sẽ chỉ có các mẫu MTXT cao cấp được trang bị (Acer Aspire 8930G là mẫu máy đầu tiên có Q9000). Ở mảng lõi kép, bốn đại diện mới là T9800 2,93GHz, P9600 2,66GHz, T9550 2,66GHz, P8700 2,53GHz; tất cả đều có FSB 1066MHz và được sản xuất trên kiến trúc Penryn mới. Dĩ nhiên, sự khác biệt chính của chúng ngoài xung nhịp vẫn là công suất điện: dòng T (35W) và P (25W) và sẽ xuất hiện trong tương lai rất gần.
* Giá trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, giá cụ thể có thể thay đổi chút ít tùy thuộc vào từng thời điểm.
Theo PCWorld