Cách mạng công nghiệp 4.0 kéo theo đó là xu hướng “khát” nhân lực về CNTT nói chung và ngành lập trình nói riêng. Theo báo cáo quý 2 năm 2018 của TopDev (mạng lưới tuyển dụng ngành IT lớn nhất Việt Nam hiện nay): Việt Nam sẽ cần đến 350.000 – 500.000 nhân lực IT đến trước cuối năm 2021, lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam dao động 10 – 25 triệu đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, không phải ai học ngành CNTT ra trường cũng có việc làm.
Vì ngày nay, số lượng cử nhân – kỹ sư – thạc sĩ – tiến sĩ ở Việt Nam ngày càng nhiều và chất lượng là điều luôn đáng quan ngại đối với các doanh nghiệp tuyển dụng.
Khắp các diễn đàn về CNTT, gần đây có vô vàn những câu hỏi tương tự với nội dung chung như:
• Kỹ năng code cũng như kiến thức lập trình chưa tốt, liệu khi đi làm có được đào tạo lại?
• Kiến thức trong trường chỉ là hàn lâm, cứ cần học tà tà qua môn, đi làm sẽ được đào lại lại từ đầu?
Và đó chính là ngộ nhận của các bạn trẻ học CNTT:
Được đào tạo lại chuyên môn CNTT khi làm việc tại doanh nghiệp?
Thực tế đã chứng minh, việc doanh nghiệp đào tạo lại đúng là có thật. Nhưng doanh nghiệp không phải là trường học, cũng không phải tổ chức từ thiện để có thể mang đến cho bạn những “phép màu” vô điều kiện, ở đây những bất cập có thể tồn tại như:
• Chưa chắc bạn đã được tuyển dụng.
• Chưa chắc bạn đã được đào tạo đúng hướng phát triển sự nghiệp mà bạn mong muốn.
• Và điều quan trọng là bạn phải chịu những ràng buộc đi kèm.
1. Chắc gì bạn đã được tuyển dụng
Các doanh nghiệp CNTT “khát” nhân lực, nhưng đừng vội nghe vậy mà ham. Cái “khát” ở đây là “khát” nhân lực làm được việc theo yêu cầu của họ.
Tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp với kiến thức còn chưa vững và hoàn toàn thiếu kinh nghiệm xử lý vấn đề, doanh nghiệp xác định sẽ phải mất công sức và thời gian đào tạo lại. Vậy nên, họ sẽ ưu tiên những bạn có kiến thức và kỹ năng thực hành vững chắc hoặc đã có kinh nghiệm.
2. Nếu may mắn được tuyển dụng nhưng được doanh nghiệp đào tạo khác với mong muốn của bản thân
Doanh nghiệp sẽ dạy bạn vừa đủ để làm việc họ đang cần, chứ không dạy sâu để bạn hiểu rõ hết bản chất của những việc bạn làm.
Bạn sẽ chỉ biết dùng công nghệ chứ không thực sự hiểu về công nghệ. Vì thế, bạn sẽ khó học được những cái mới hoặc chuyên sâu, cũng khó phỏng vấn xin việc ở những nơi khác.
Ngoài ra, đôi khi bạn được đào tạo những kiến thức “bất đắc dĩ” để làm những vị trí “bất đắc dĩ”, không phải là sở trường và hướng đi bạn đã dự định. Ví như bạn muốn trở thành chuyên gia về Cơ sở dữ liệu nhưng doanh nghiệp lại đào tạo Kiểm định phần mềm vì họ đang thiếu nhân sự ở vị trí đó.
3. Những ràng buộc “không dễ chịu” đi kèm khi được doanh nghiệp đào tạo lại chuyên môn CNTT
Doanh nghiệp là nơi để kiếm tiền, từng giây từng phút khi bạn bước vào văn phòng là để mang lại lợi nhuận cho công ty. Do đó, chẳng có lý do gì để đào tạo bạn mà không tính toán lợi – hại.
Những chương trình mà doanh nghiệp đào tạo cho bạn, dù là ở cấp độ cơ bản hay cao hơn, dù đào tạo nội bộ hay đào tạo theo chương trình liên kết, bạn đều sẽ bị ràng buộc vào những qui định khá bất lợi về mức lương, số năm cam kết làm việc tại doanh nghiệp hay số tiền phải hoàn lại cho chi phí đào tạo khi nghỉ việc…
Đây cũng không phải là điều xấu, cái nào cũng có tính 2 mặt, quan trọng là có phù hợp với nhu cầu và định hướng của bạn hay không.
Vì thế, các bạn trẻ cần tránh ngộ nhận sai lầm ở trên để giúp bản thân học đúng hướng, đảm bảo cơ hội có việc làm khi cạnh tranh cùng nhiều bạn trẻ khác.
Thay vì trông chờ vào việc được doanh nghiệp đào tạo lại chuyên môn CNTT sau khi được tuyển dụng, các bạn trẻ hãy chủ động ngay trong việc chọn trường đào tạo CNTT chất lượng để theo học và hình thành thái độ học nghiêm túc.
(Nguồn: Topitworks)