So với cùng kỳ năm ngoái, sức tiêu thụ tại các công ty máy tính hiện giảm tới 20 %, dù đang là vụ mua sắm người tiêu dùng trên trường chờ hạ giá còn các công ty tin học nóng ruột vì lượng hàng bán ra sụt đi trông thấy.
Cách thu hút khách hàng mua PC đó chỉnh là giảm giá
Anh Hoàng Anh Tuấn, Phụ trách kinh doanh của công ty máy tính Trần Anh, than thở: “Khách hàng cứ chờ đợi đến thời điểm sau 1/1/2007 mới quyết định mua máy tính. Nhưng nếu tính toán kỹ thì sự chờ đợi như vậy không hẳn đã đem lại hiệu quả cao”.
Hiện nay thuế suất nhập khẩu áp dụng cho máy tính nguyên bộ và các linh kiện của nó đang ở mức từ 0% đến 5%. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cam kết khi vào WTO là phải đến thời điểm 1/1/2009 thuế nhập khẩu máy tính và linh kiện mới giảm dần xuống 0%. Tức là từ nay cho đến thời điểm… hấp dẫn về giá máy tính là khoảng 2 năm. “Nhưng trong trường hợp thuế suất là 0% thì giá thành một bộ máy tính sẽ giảm xuống tối đa là 5% chứ không phải là sẽ giảm rất mạnh như tin đồn”, anh Hoàng Anh Tuấn phân tích. “Tôi ví dụ, khi thuế suất bằng 0% thì một bộ máy tính trị giá 5 triệu đồng sẽ giảm giá được 250.000 đồng. Thực tế sẽ là như vậy”.
Để cứu vãn tình hình, các doanh nghiệp tìm mọi cách để thu hút khách hàng. Đáng chú ý là cam kết của Công ty Trần Anh chấp nhận hoàn tiền nếu giá máy tính giảm do WTO. Theo đó, từ ngày 28/11/2006 đến ngày 28/2/2007, nếu khách hàng mua trọn bộ máy tính tại doanh nghiệp này sẽ được hoàn trả lại 100% tiền chênh lệch nếu giá máy tính giảm do ảnh hưởng của việc VN gia nhập WTO.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ máy tính khác như Mai Hoàng, Phúc Anh, Máy tính Hà Nội… đều triển khai các chương trình khuyến mại lớn như mua từ hai thiết bị trở lên và thanh toán ngay sẽ được giảm giá 5% tổng giá trị số hàng đã mua. Nếu mua máy tính nguyên chiếc cùng CD-ROM và loa sẽ được tặng 7% giá trị tiền mặt. Năm nay, các sản phẩm khuyến mại tặng kèm theo bộ máy tính khá phong phú bao gồm cả phần mềm, phần cứng như máy in Epson, USB, modem ADSL, thẻ nhớ, phần mềm diệt virus có bản quyền…
Các công ty máy tính đều hy vọng vào cuối tháng 12 này – thời điểm các dự án được giải ngân và sau đó có thể mảng bán lẻ sẽ tăng tốc từ tháng 1 đến tháng 3. “Người tiêu dùng sẽ không thể chờ mãi được. Tôi tin là đến tháng 3, các sản phẩm máy tính sẽ tiêu thụ rất mạnh”, quản lý một doanh nghiệp máy tính Hà Nội nhận định.
Hiện tại, giá linh kiện máy tính có chiều hướng giảm. CPU xuống giá từ 5% đến 10%, tùy model. RAM và ổ cứng giảm từ 3% đến 5%. Mainboard cũng tụt xuống khoảng 5%-10%. Nguyên nhân của việc giảm giá này đều do các công nghệ mới mạnh hơn ra đời đã đẩy các sản phẩm cùng loại nhưng lạc hậu xuống hàng thứ yếu. Đó là chưa kể đến việc thị phần của máy tính để bàn đang bị lấn lướt bởi các loại máy tính xách tay giá rẻ. Nếu như cách đây gần 2 năm, laptop chỉ chiếm khoảng 6% thị phần thì giờ đây, sản phẩm này đã vọt lên, nắm giữ 12% thị trường chung với số lượng tiêu thụ tăng gấp 3 lần.
Thống kê của hãng nghiên cứu thị trường GfK cho thấy, đi đầu trong cuộc đua giá rẻ và số lượng tiêu thụ là máy tính xách tay nhãn hiệu Acer với thị phần nắm giữ 41%. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, sang năm tới, Acer sẽ phải nhường bớt “miếng bánh” thị trường cho HP bởi thương hiệu này cũng đang bám đuổi quyết liệt với những chiến lược hạ giá sản phẩm đáng nể. Còn cơ hội để thắng lớn của các thương hiệu máy tính trong nước dường như vẫn còn quá xa xôi trước những đối thủ tầm cỡ đến từ nước ngoài.
Theo Vnexpress