Quyết định 51/2007/QĐ-TTg ngày 12/4/2007 của Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt chương trình giải pháp phát triển công nghiệp phần mềm (CNpPM) Việt Nam đến năm 2010 có những mục tiêu cơ bản rất cao như: tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 35-40%/năm, tổng doanh thu từ PM và dịch vụ PM đạt 800 triệu USD/năm
trong đó xuất khẩu đạt ít nhất 40%, tổng số nhân lực phát triển PM và dịch vụ PM đạt khoảng 55.000 đến 60.000 người với giá trị sản phẩm trung bình đạt 15.000USD/người/năm. Quyết định 51 (QĐ51) cũng đề cập đến một giải pháp lớn là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho CNpPM, trong đó có giải pháp 1+4 và 4+1.
Giải pháp 1+4
Đây là giải pháp nâng trình độ ngoại ngữ cho ngành đào tạo (ĐT) CNTT. ĐH FPT đã triển khai mô hình này từ khóa đầu tiên. Hai ngoại ngữ được lựa chọn là tiếng Anh và Nhật. Nếu là tiếng Anh: năm đầu học tiếng Anh, 4 năm sau học chuyên ngành bằng tiếng Anh và thêm ngoại ngữ tiếng Nhật. Nếu là tiếng Nhật thì ngược lại. Thuận lợi của ĐH FPT khi ĐT CNTT bằng tiếng nước ngoài là đã có kinh nghiệm nhiều năm ĐT theo chương trình Aptech của Ấn Độ.
Đối với các cơ sở ĐT khác, nếu chấp nhận giải pháp 1+4 thì lo nhất là thầy dạy CNTT bằng ngoại ngữ (dù chương trình ĐT CNTT còn phải nghiên cứu nhiều mới có thể nói là hoàn thiện và cập nhật được sự phát triển của ngành, tuy nhiên việc đó sẽ bàn trong một bài viết khác). Nếu chỉ để đáp ứng cho một ít cơ sở ĐT thì không có vấn đề gì lớn, nhưng nếu triển khai ĐT đại trà phải có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên. Cũng có thể mời giáo viên nước ngoài.
Những năm qua, vài trường thử nghiệm giải pháp dạy một số học phần CNTT bằng tiếng Anh nhưng kết quả không như mong muốn do các thầy giảng chưa thu hút được sinh viên (SV).
Dạy CNTT bằng một ngoại ngữ nào đó là nhằm tạo cho SV có khả năng làm việc trong lĩnh vực CNTT bằng ngoại ngữ đó nên ngoài việc nắm vững chuyên ngành CNTT cùng với vốn tiếng Anh nhất định, người dạy còn phải tổ chức đối thoại với SV. Như vậy, bài toán 1+4 tưởng đơn giản nhưng để giải nó được hiệu quả thì không đơn giản chút nào!
Giải pháp 4+1
Giải pháp này về cơ bản không khác lắm so với việc ĐT bằng thứ 2 về CNTT vốn đã được bộ GDĐT khuyến khích từ nhiều năm trước (tuy nhiên chưa có nhiều biện pháp để thu hút các trường ĐH tham gia ĐT và chưa thu hút các đơn vị gửi người đi ĐT).
Liên quan đến giải pháp này, có một loạt vấn đề đặt ra sau đây:
1. Chương trình ĐT. Chương trình một năm học về CNTT cho những người đã tốt nghiệp ĐH các ngành ngoại ngữ, khoa học, kỹ thuật, kinh tế sẽ bao gồm những nội dung gì? Tất cả các ngành đó đều học những học phần CNTT như nhau hay khác nhau?
Muốn đưa CNTT vào một ngành nào đó, phải hình dung được quá trình vận động thông tin cho hoạt động của ngành. Như thế, giải pháp phải có tri thức về phân tích hệ thống thông tin, tri thức về thiết kế, cài đặt hệ thống thông tin. Do đó, những môn học như phân tích thiết kế hệ thống thông tin có lẽ ngành nào cũng cần phải học. Nội dung có thể khác nhau một ít ở phần minh họa hệ thống cho từng ngành.
Ngôn ngữ lập trình nào sẽ được lựa chọn để học: C++ hay Java hay một ngôn ngữ nào khác? Trong chương trình ĐT của các trường ĐH những năm qua, nhiều trường, ngoài phần tin học cơ sở (4 hoặc 5 đơn vị học trình) đã có những học phần nâng cao về CNTT cho các ngành học khác nhau.
Đây cũng là giải pháp cơ sở để các trường nghiên cứu xây dựng chương trình 4 + 1. Chẳng hạn, trong phần nâng cao của các trường ĐH kỹ thuật, công nghệ, xây dựng… có thể nói trường nào cũng học PM thiết kế 3D, lập trình CNC; còn các trường kinh tế thì khó tránh khỏi các PM kế toán.
Tuy nhiên, cần lưu ý PM ứng dụng cho các ngành rất phong phú, muôn hình muôn vẻ, khó có thể nắm bắt được tất cả. Mục tiêu chính của chương trình là học cái ý tưởng thiết kế, học những kiến thức và kỹ năng CNTT giúp cho việc cài đặt.
2. Mô hình ĐT. Nên thực hiện ĐT theo học chế tín chỉ. Tuy giải pháp là 1 năm học nhưng không nên buộc người học phải gói gọn trong một năm thiên văn mà cho phép kéo dài trong một khoảng thời gian miễn là trả nợ hết các học phần bắt buộc. Nên thu hút những người đã đi làm việc rồi và trở về học.
Như vậy người học sẽ có khả năng liên hệ với thực tiễn. Người học nếu đã có thời gian trải nghiệm nghề nghiệp của mình sẽ thấy được cần trang bị thêm cho mình tri thức gì về CNTT là thích hợp. Trong chương trình ĐT, ngoài những học phần bắt buộc nên có nhiều học phần tự chọn để người học có khả năng lựa chọn theo một chiến lược học tập tự xác định. Cần có những học phần có tính tự học cao như học phần đồ án môn học.
3. Tuyển chọn người học. Theo tôi nên ưu tiên cho những người đã tốt nghiệp ĐH có thời gian làm việc từ 2 năm trở lên. Đối với số SV mới tốt nghiệp 4 năm của các ngành, họ phải thỏa mãn một số tiêu chí nào đó mới được nhận vào học. Ví dụ, phải đạt một chuẩn nào đó của tiếng Anh và học lực khá chẳng hạn.
Đối với người học là cán bộ đã làm việc (sau x năm) và được cơ quan (công ty) giới thiệu sẽ được nhận vào học. Từng ngành cần có một số lượng cán bộ nhất định được tham gia ĐT theo mô hình 4+1. Nên có chế độ học phí thích hợp.
4. Về chức danh cho những người học theo mô hình 4+1. Sau khi hoàn thành chương trình học, người học sẽ có học vị là kỹ sư, cử nhân CNTT hay vẫn là kỹ sư, cử nhân của ngành học 4 năm đã nhận được từ trước, cộng thêm một chứng chỉ về CNTT? Theo tôi, điều này cần bàn bạc kỹ hơn khi xác định học vị của họ. Trước mắt nên cấp chứng chỉ của bộ GDĐT về CNTT cho những người được ĐT.
Hy vọng những trình bày trên đây có thể gợi ý một vài điều cho việc thực hiện một dự án trong QĐ 51 là dự án “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng ĐT CNTT” do bộ GDĐT và bộ BCVT (nay là bộ Thông Tin và Truyền Thông) triển khai thực hiện.
LOAY HOAY VỀ CHUẨN Ít có ngành học nào đông SV và số trường tham gia ĐT như CNTT. Hiện nay có đến trên dưới 100 trường ĐH và cao đẳng tham gia (theo số liệu tổng kết của hội Tin Học TP.HCM). Khác với nhiều ngành học khác, do tốc độ phát triển CNTT nhanh gấp đôi theo chu kỳ 18 tháng của định luật Moor nên chẳng mấy chốc, những chương trình ĐT “khuôn vàng thước ngọc” của nhà trường trở nên thiếu cập nhật so với thực tế phát triển của công nghệ cả về phần cứng, PM, mạng… Các nhà tuyển dụng (cả về CNTT lẫn ứng dụng CNTT) luôn khó khăn trong việc tuyển dụng SV tốt nghiệp có đủ tay nghề và trình độ cần thiết. Theo chuyên gia quốc tế, nguyên nhân là Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống chuẩn chất lượng ĐT CNTT và ngành giáo dục vẫn chưa có được hệ thống văn bằng quốc gia, khiến công tác này thiếu sự chuẩn hóa và liên thông. Vì thế, thứ trưởng bộ GDĐT Trần Văn Nhung cho rằng đã đến lúc phải xây dựng hệ thống chuẩn đánh giá chất lượng ĐT CNTT theo nhiều tiêu chí khác nhau. Cạnh đó, xã hội cũng cần thay đổi quan niệm cũ về ĐT giữa chính quy (các ĐH, cao đẳng) và phi chính quy (các hệ thống ĐT ngoài nhà trường). Thực tế, những người tốt nghiệp và có chứng chỉ của Aptech, NIIT, Microsoft, Oracle, IBM… có thể được nhận làm việc tại nhiều nước nhưng hệ thống ĐT chính quy trong nước chưa thể như vậy. Cũng phải đề cập đến một thực tế là chưa biết SV ngành CNTT tài giỏi đến đâu với những kiến thức cao siêu, nhưng nhiều khi những câu hỏi đơn giản lại không trả lời được (xem TGVT – PC World VN series B tháng 5/2007). Đây là thực tế không nên chỉ trách cứ SV mà theo một chuyên gia của viện CNTT – viện KHCN Việt Nam thì lỗi lớn thuộc về các thế hệ đi trước. Qua đó, phải nhìn nhận lại về những quy chuẩn và mọi quy chuẩn cần được hình thành từ đánh giá của nhà tuyển dụng. Có lẽ nhà trường cần chủ động phân luồng cho SV để có thể làm việc theo nhiều nhu cầu tuyển dụng khác nhau chứ không chỉ theo một định hướng về CNTT trọng điểm. |
Theo PCWorld VN