Với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, internet đang ngày càng có sức hút đối với giới trẻ. HS – SV tìm đến internet với nhiều mục đích khác nhau. Thói quen viết nhật kí trên giấy đang dần được thay thế bằng nhật kí điện tử hay còn gọi là “Blog”.
Từ “hàng độc” trên blog
Người ta đã nói rất nhiều tới những cái hay, cái đẹp của blog. Tỉ dụ như với tư cách của một cuốn nhật ký điện tử, blog là nơi bạn có thể chia sẻ mọi tâm tư tình cảm của mình với mọi người một cách nhanh nhất, cùng đưa ra bàn luận, mổ xẻ về một vấn đề nào đó để cùng tìm cách tháo gỡ. Thậm chí, blog là nơi ta có thể tìm kiếm nhanh nhất sự giúp đỡ của cả một cộng đồng đối với một cá nhân nào đó đang phải chịu những nỗi bất hạnh… Thế nhưng, cái gì cũng đều có tính hai mặt của nó.
Dù blog là một dạng nhật ký, nhưng nó lại là một loại nhật ký “mở”, nghĩa là nếu như chủ nhân của blog đó đồng ý thì bất kỳ ai cũng có thể vào và đọc, xem những thông tin trên blog đó. Những ngày này, người ta đang kháo nhau về những blog “khá độc”, mà trên đó, người ta có thể thấy cơ man nào là những bức ảnh chụp cảnh ăn chơi thác loạn của các bạn trẻ đất Hà thành. Nào là những tấm ảnh hở hang của những cô gái trẻ trong vũ trường, rồi những kiểu ăn mặc hết sức khêu gợi ngay trên đường phố, nơi công cộng, những tấm ảnh các cậu choai ra sức “bốc đầu”, đánh võng, lạng lách xe máy trên đường phố…
Tóm lại, tất cả những gì được coi là thói hư tật xấu của giới trẻ đều được các blogger bày ra trên blog của mình, coi đó như một thứ “hàng độc” mà mình sưu tầm được. Sau đó, chủ nhân của những blog này lại dùng những mỹ từ, những bài viết kèm theo để “tôn vinh” những thói hư tật xấu này. Đó là chưa kể trong những blog này còn vô số tranh ảnh khoả thân và phim sex được post lên. Và đương nhiên, lượng người truy cập vào những blog này tăng đến chóng mặt từng ngày. Chính vì thế, những thói hư tật xấu kia khi được lăngxê bỗng trở thành một thứ “mốt thời thượng” trong mắt của nhiều bạn trẻ.
Cái ngôn ngữ mà nhiều bạn trẻ dùng để thể hiện đến văn hoá phản động trên blog cũng khá đa dạng, và ít nhiều được cách tân theo lối hiện đại, giản đơn, nhưng đôi lúc cũng hơi “quái dị” khiến nhiều người phải lo lắng cho sự trong sáng của tiếng Việt. Đó là chưa kể trong nhiều blog, các chủ nhân thoải mái văng tục, chửi bậy, chửi thề…, có khi chỉ vì muốn thể hiện thái độ bực dọc của mình, nhưng cũng có một phần không nhỏ là do xuất phát từ thói quen, do cách cư xử thiếu văn minh trong giao tiếp…
Về một khía cạnh nào đó, blog cũng giống như một diễn đàn, một tờ báo điện tử, nơi chủ nhân của nó có thể tha hồ bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình về những vấn đề nhất định nào đó. Và thật nguy hiểm nếu như người ta dùng chính blog làm công cụ tuyên truyền những loại văn hoá phản động, những suy nghĩ, chính kiến chính trị sai lạc với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta…
Để ngăn chặn những blog đen kiểu này (đặc biệt là với những blog có nội dung đồi trụy, phản động) thực sự là một vấn đề hết sức nan giải với cơ quan chức năng. Trước đây, với những trang web có nội dung tương tự, cơ quan chức năng còn có thể dựng “tường lửa” để ngăn chặn sự xâm nhập.
Ngoài ra, chính quản trị mạng của những trang web đó cũng phải yêu cầu đăng ký làm thành viên mới có thể truy cập. Nhưng với blog, bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào để xem một cách dễ dàng nếu được bạn bè gửi cho đường link hoặc biết được địa chỉ.
Theo Lao động