Việt Nam là thành viên của ISO, có quyền tham gia vào cuộc bỏ phiếu này. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ KHCN là cơ quan tư vấn, đại diện cho Việt Nam thực hiện việc bỏ phiếu (cuộc bỏ phiếu sẽ kết thúc vào ngày 2/9/2007). Để có cơ sở cho việc bỏ phiếu với dự thảo DIS ISO/IEC 29500, ngày 16/8, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Công ty Microsoft Việt Nam tổ chức tọa đàm với các chuyên gia IT về dự thảo tiêu chuẩn trên.

Nhưng tại buổi toạ đàm, giới CNTT Việt Nam hiện vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng trong việc bỏ phiếu có hay không cho Open XML.
Khá nhiều giới trong IT phản đối
Ý kiến chung của những chuyên gia cổ xúy cho phần mềm nguồn mở là phản đối việc đưa Open XML trở thành chuẩn ISO. Các lý do được đưa ra là chuẩn Open XML của Microsoft quá phức tạp, còn nhiều lỗi kỹ thuật và thiếu trung lập về công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám đốc Công ty giải pháp phần mềm iNet Solutions nói ông đã bỏ ra 6 tháng để nghiên cứu về Open XML và phát hiện thấy chuẩn này có khá nhiều lỗi. Đặc biệt chuẩn này có một số đặc tả kỹ thuật chỉ chạy trên nền công nghệ Microsoft. Điều này theo ông Hiền là “vi phạm nguyên tắc mở và trung lập công nghệ của chuẩn, và cũng có nghĩa là cộng đồng có nguy cơ phải mua công nghệ Microsoft khi áp dụng chuẩn này”.
Bên cạnh đó, một chuyên gia về tiêu chuẩn dữ liệu của IBM Việt Nam cho rằng Open XML quá phức tạp, có 6.000 trang tài liệu mô tả về chuẩn nên việc áp dụng sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, chuyên gia của IBM còn chỉ ra một số điểm thiếu sót của chuẩn này, như không hỗ trợ tốt trên môi trường nhiều hệ điều hành, không đảm bảo chủ quyền dữ liệu khi áp dụng. Vì vậy, đại diện của IBM khuyến nghị Việt Nam nên bỏ phiếu không thông qua chuẩn Open XML để chuẩn này có thêm thời gian sửa đổi.
Nhiều chuyên gia CNTT khác cũng đề nghị Việt Nam chưa vội nói “có” với Open XML. Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Quang, giảng viên Viện Tin học Pháp ngữ đặt câu hỏi vì sao Open XML lại có quá nhiều tranh cãi khi Microsoft đưa chuẩn này thành chuẩn ISO. Trong khi đó việc thông qua chuẩn ODF, chuẩn tài liệu văn phòng tương tự như Open XML đã được tổ chức ISO thông qua cuối năm 2006 lại diễn ra rất êm thấm. “Cả thế giới đang chỉ trích Open XML ầm ĩ như thế mình không nên vội vàng bỏ phiếu cho nó. Bỏ phiếu phản đối cùng với những yêu cầu sửa đổi là khôn ngoan ở thời điểm này để cho Open XML có thêm thời gian hoàn thiện”, ông Quang nói thêm. Hơn nữa, ông Quang cũng bày tỏ lo ngại “Việt Nam sẽ bị trói chặt với công nghệ Microsoft khi ủng hộ và áp dụng chuẩn Open XML. Dù sản phẩm của hãng này rất tốt nhưng nếu trói chặt với một hãng là không tốt”.
Ở trên bình diện quốc tế, mới đây, hai “đại gia” trong làng CNTT thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã chính thức nói không với Open XML. Trung Quốc không bỏ phiếu cho Open XML với lý do chuẩn này không hiển thị các địa chỉ mạng bằng tiếng Trung và đi ngược lại lợi ích của các doanh nghiệp phần mềm bản địa. Theo giới phân tích, nhiều khả năng các quốc gia CNTT lớn khác như Nhật, Ấn Độ, Canada, Đức và Anh cũng sẽ bỏ phiếu phản đối Open XML trở thành chuẩn ISO.
Vẫn nhiều ý kiến đồng thuận
Tuy nhiên, cũng có một luồng không ít ý kiến kêu gọi Việt Nam nên bỏ phiếu cho Open XML. Theo ông Ngô Trung Việt, chuyên gia về chuẩn dữ liệu của Viện Công nghệ Thông tin thì Open XML rõ ràng là một thiện chí của Microsoft, hãng lâu nay vẫn đóng kín các định dạng dữ liệu. Việc bỏ phiếu cho chuẩn này theo ông Việt có nhiều cái lợi. Đáng kể nhất là số lượng tài liệu trên nền công nghệ Microsoft của Việt Nam hiện tại rất nhiều, đặc biệt là với các cơ quan chính phủ. Cái lợi nữa là Việt Nam sẽ có được đội ngũ chuyên gia hiểu được công nghệ này nếu sớm ủng hộ và áp dụng. Ngoài ra, theo ông Việt thì “việc lựa chọn chuẩn dữ liệu nên dựa trên yếu tố kỹ thuật, không nên xét nó ở khía cạnh kinh doanh theo góc độ cạnh tranh giữa Microsoft và nguồn mở. Cuộc sống sẽ quyết định chuẩn nào sẽ tồn tại và phát triển”.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Đình Đức, chuyên gia của Viện Công nghệ thông tin cho rằng “việc lựa chọn chuẩn nên nên đứng trên góc độ lợi ích chung của quốc gia, không nên vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp phần mềm”. Nhưng ông Đức cho rằng việc bỏ phiếu thuận cho Open XML cũng nên có khuyến cáo về khả năng thích nghi với các chuẩn khác cụ thể như ODF. Và để dứt điểm chuyện ủng hộ hay không với chuẩn Open XML, ông Đức cho rằng cần có ban nghiên cứu kỹ lưỡng về những lợi ích và bất lợi khi bỏ phiếu cho chuẩn này.
Tại hội thảo trên, ông Phó Đức Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay trung tâm đang nghiên tài liệu mô tả về chuẩn Open XML để xem xét có bỏ phiếu thuận hay không. Bên cạnh buổi tọa đàm với giới CNTT, sắp tới trung tâm này sẽ họp ban kỹ thuật mở rộng gồm các đơn vị liên quan và những chuyên gia trong giới CNTT cho ý kiến về chuẩn này.
Chưa khẳng định là sẽ bỏ phiếu có hay với chuẩn này vào ngày 2/9 tới đây nhưng ông Sơn cho hay “nguyên tắc của Việt Nam trong việc thông qua chuẩn này sẽ hài hoà giữa lợi ích riêng của các doanh nghiệp phần mềm và lợi ích quốc gia”. Theo thông lệ của ISO thì Open XML chỉ được thông qua khi có 2/3 tổng số thành viên bỏ phiếu tán thành và không quá 1/4 số phiếu phản đối.
Theo ICTnews