Trong khi những người xem truyền hình VTC cảm thấy thoải mái khi được chứng kiến những người đẹp khắp nơi trên thế giới mà mình hâm mộ thì nhà đài VTV cảm thấy “đau như bị cắt ruột” khi bị “em út” “phỗng tay trên”, phát trước chương trình cuộc thi người đẹp thế giới mà Đài truyền hình Việt Nam đã mua bản quyền và có kế hoạch phát sóng cũng trong ngày hôm đó trên VTV1.
Phản ứng của VTV
Tuy nhiên sau đó, VTV đã quyết định hoãn phát sóng chương trình cuộc thi người đẹp hành tinh không phải vì VTC “cầm còi chạy trước ôtô” mà vì không nỡ để những hình ảnh tưng bừng, hoành tráng của cuộc thi làm “nhòa” những cảnh đau thương tan tóc của đồng bào bị lũ lụt miền Trung.
Trước vụ việc này, VTV đã phản ứng mạnh mẽ và xem việc làm của VTC là hành vi vi phạm bản quyền. Không chỉ trên trang web mà trong chương trình thời sự phát sóng ngày hôm sau sự cố xảy ra, VTV đã làm một bài phản ánh thể hiện sự phẫn nộ của mình.
“Đó không chỉ là việc làm vi phạm mà còn là uy tín của Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Lương, Giám đốc Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAD) thuộc Đài truyền hình Việt Nam, phát biểu với chúng tôi hôm qua (3/10).
Ông Lương cho biết sau khi biết vụ việc Ban tổ chức Miss World đã rất phẫn nộ vì cho rằng bản quyền phát sóng chương trình của họ đã bị vi phạm nghiêm trọng. Nếu vụ việc này không được giải quyết thì cơ quan tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới sẽ không cho phép phát sóng chương trình này tại Việt Nam.
Theo ông Lương, uy tín và hình ảnh quốc gia đã bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó nhà đài VTV cũng bị thiệt hại vì không còn được độc quyền cung cấp chương trình cuộc thi hoa hậu thế giới ở Việt Nam mà trở thành người phát lại.
“Công lao của chúng tôi bao lâu nay chuẩn bị cho cuộc thi không phải cho cuộc thi hoa hậu thế giới mà từ lúc chúng tôi tham gia cuộc thi hoa hậu trong nước. Nhưng nay lại có người nhảy vào để tranh giành thành quả của chúng tôi và gây thiệt hai cho chúng tôi”, ông Lương nói.
Ông Lương cho biết với chương trình phát sóng độc quyền này TVAD đã có được hợp đồng quảng cáo của các công ty trị giá 1,5 tỷ đồng bao gồm quảng cáo cho nhà tài trợ chính và những mẫu quảng cáo trong chương trình phát sóng. Theo ông Lương, sau khi VTC1 phát sóng các nhà quảng cáo đã ngưng hợp đồng với VTV đồng thời cũng cho biết sẽ phạt VTV vì chương trình không còn độc quyền và như thế sẽ làm giảm tính hiệu quả của chương trình quảng cáo của các công ty.
Theo tính toán của TVAD, mức phạt có thể lên đến 20% giá trị hợp đồng quảng cáo. Không chỉ bị “mất ăn” và bị phạt. VTV sẽ khó có được giá trị quảng cáo cao hơn hoặc bằng 1,5 tỷ đồng khi chương trình cuộc thi Hoa hậu thế giới 2006 được phát sóng. VTV có kế hoạch phát sóng chương trình bị phá độc quyền này trong một vài ngày tới.
Đây không phải là lần đầu tiên VTV bị VTC “phỗng tay trên”. Ông Lương nói rằng mùa World Cup 2006 vừa qua đã một lần kênh truyền hình kỹ thuật số VTC, một kênh truyền hình tách ra từ VTV và nay thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông, vi phạm bản quyền phát sóng giải bóng đá thế giới tại Việt Nam của VTV. Vụ tranh chấp này đang tạo ra sự mâu thuẫn giữa hai nhà đài thì vụ việc Hoa hậu thế giới 2006 làm cho mâu thuẫn đó càng sâu sắc hơn.
Ông Lương cho biết nếu VTC giải quyết vấn đề này không thỏa đáng VTV sẽ đưa vụ tranh chấp thành một vụ kiện. Theo ông Lương, kiện VTC không đơn thuần là vì VTC gây thiệt hại về mặt kinh tế cho VTV mà còn vì tạo tiền đề tốt cho vấn đề bản quyền, điều mà ông cho rằng chưa thực sự được tôn trọng ở Việt Nam.
TV Plus là công ty cung cấp bản quyền phát sóng cuộc thi Hoa hậu thế giới 2006 duy nhất tại Việt Nam cho VTV. Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Giám đốc Công ty TV Plus, cho biết bà rất ngạc nhiên về việc vi phạm bản quyền của VTC, mặc dù khi biết kênh truyền hình này có kế hoạch phát sóng chương trình hoa hậu thay vì phim truyện như lịch chiếu trước đó, Công ty TV Plus đã nhắc nhở và yêu cầu ngưng phát sóng. Bà cho biết thêm VTC không có bản quyền vì Zeal TV, công ty bán bản quyền cuộc thi hoa hậu thế giới tại Việt Nam, không bán bản quyền cho công ty nào ngoài TV Plus.
“Việt Nam đã tham gia vào công ước quốc tế về bản quyền và phát sóng vì vậy không có lý do gì chúng ta lại không thực hiện. Hơn nữa chúng ta sẽ sớm tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới, vì vậy chúng ta cần phải tôn trọng nghiêm và triệt để vấn đề bản quyền”, bà Hạnh nói.
TV Plus nói rằng cho đến nay công ty này chưa có phản hồi gì từ VTC để giải thích vụ vi phạm. Tuy nhiên, cũng như VTV, bà Hạnh cho biết giải quyết vấn đề này công ty muốn lựa chọn biện pháp hòa giải, nhưng nếu không thành TV Plus sẽ khởi kiện VTC ra tòa.
Theo VTC, căn cứ để VTC phát sóng chương trình hoa hậu là vì kênh truyền hình này thu sóng của kênh truyền hình Star World không phải của VTV nên họ không vi phạm. Tuy nhiên, cả VTV và TV Plus đều phủ nhận quan điểm này.
Còn theo ông Trần Kim Thy, Trưởng đại diện Công ty Tư vấn luật Concetti tại Tp.HCM thì Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 1/7/2006 quy định rất rõ tại khoản 10, điều 35. Đó là nếu “cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp” thì sẽ được xem là có “hành vi xâm phạm” đến các quyền sở hữu trí tuệ.
Theo vneconomy