Công nghệ liên tục thay đổi với hàng loạt thuật ngữ mới ra đời khiến nhiều người không kịp cập nhật thông tin về những gì đang diễn ra trong thế giới web, mạng di động và điện toán.
10 mảng công nghệ
Băng rộng (broadband)
Đây là thuật ngữ chỉ kết nối Internet tốc độ cao, hỗ trợ người sử dụng truy cập website, tải nhạc và video thuận tiện hơn. Phiên bản broadband phổ biến nhất là ADSL – sử dụng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến qua đường điện thoại cố định. Ngoài ra còn có ADSL2 và ADSL2+ với khả năng hoạt động nhanh hơn nhiều, nhưng nhìn chung tốc độ của ADSL là đủ dùng trong các gia đình.
Không dây (wireless)
Wireless có thể được hiểu là công nghệ hoạt động không cần dây nối mà sử dụng sóng ngắn để liên kết các thiết bị với nhau. Phổ thông hơn, wireless chỉ công nghệ cho phép truy cập Internet trên máy tính xách tay mà không cần đến các đường dây điện thoại phức tạp.
Để thiết lập mạng không dây tại nhà, khách hàng vẫn cần đăng ký dịch vụ broadband và mua thiết bị định tuyến (wireless router). Router sẽ truyền tín hiệu Internet quanh nhà và người sử dụng có thể truy cập mạng, đọc e-mail, mở website… tại mọi vị trí từ phòng khách, phòng ngủ đến nhà vệ sinh qua laptop. Công nghệ không dây có nhiều tên gọi, phổ biến nhất là Wi-Fi với chuẩn kỹ thuật 802.11b và 802.11g.
Băng rộng không dây (wireless broadband)
Đây là sự kết hợp giữa băng thông rộng và tính linh hoạt của công nghệ không dây. Công nghệ wireless thông thường chỉ đủ khả năng phủ sóng một căn nhà hoặc văn phòng, trong khi wireless broadband có thể bao quát cả một thành phố (điều này tương tự như khả năng hoạt động của điện thoại nối dài và điện thoại di động).
Laptop và notebook
Laptop hay notebook đều được gọi là máy tính xách tay. Notebook cỡ nhỏ hơn bình thường có tên là subnote hoặc tablet (máy tính dạng bảng) với màn hình cảm ứng, cho phép viết ký tự trực tiếp trên đó bằng bút số.
Hiện nay, doanh số notebook đã vượt qua máy tính để bàn bởi chúng không chỉ có khả năng tương đương các hệ thống desktop mà còn mang đến sự năng động cho người sử dụng. Tuy nhiên, giá máy xách tay cao hơn máy để bàn do các nhà sản xuất phải tích hợp mọi thành tố cần thiết vào trong một không gian nhỏ hẹp.
Công nghệ thế hệ 3 (3G và Next G)
Thông tin liên lạc của con người đã thay đổi từ khi những chiếc điện thoại di động đầu tiên xuất hiện trong thập niên 80. Một phần tư thế kỷ trôi qua, thế giới đang chuẩn bị đón nhận những công nghệ mạng di động mới, trong đó có 3G. Với thiết bị thế hệ 3, người sử dụng có thể truy cập Internet, theo dõi tin tức, video clip thể thao và gửi tin nhắn video dễ dàng. Ngoài ra, một công nghệ khác, Next G, có thể thực hiện mọi tính năng tương tự 3G nhưng với tốc độ truyền dữ liệu cao hơn nhiều. Chi phí cho điện thoại 3G và Next G phụ thuộc vào tính năng trên điện thoại cũng như thời hạn hợp đồng dịch vụ giữa người sử dụng và nhà cung cấp.
Điện thoại thông minh (smartphone)
Điện thoại di động đời mới có khả năng đọc e-mail, quản lý lịch công tác, duyệt web… được gọi là smartphone. Một số được trang bị bàn phím mini với thiết kế tương tự bàn phím Qwerty trên máy tính, giúp nhắn tin và gửi thư nhanh hơn. Để sở hữu những thiết bị này, người sử dụng cần phải bỏ ra khoảng 500 USD – 1.000 USD.
VoIP
Nếu thường xuyên phải gọi điện đường dài, người sử dụng sẽ đánh giá cao công nghệ đàm thoại qua Internet. VoIP biến Internet thành mạng điện thoại toàn cầu với các dịch vụ thoại giữa hai máy tính miễn phí như Windows Messenger, Yahoo Messenger, Google Talk và Skype. Trong khi đó, các dịch vụ thương mại như Skype, Engin… cho phép người dùng máy tính gọi trực tiếp tới số điện thoại cố định hoặc di động. Họ vẫn phải trả cưới phí, nhưng do các cuộc gọi lưu thông trong mạng Internet thay vì qua hệ thống cáp nên mức giá thấp hơn nhiều.
Podcast
Podcast là việc người sử dụng ghi lại các chương trình radio hoặc tự tạo file âm thanh, sau đó đăng lên Internet để mọi người nghe trực tiếp qua web hoặc tải về thiết bị số cá nhân. Podcast bắt đầu phổ biến sau khi Apple tuyên bố hỗ trợ công nghệ này trong kho nhạc trực tuyến iTunes và máy nghe nhạc iPod. Hiện tại, máy nghe nhạc MP3 nào cũng nghe được podcast chứ không chỉ riêng thiết bị của “Quả táo”.
Blog
Đây là từ rút gọn của web log (trang cá nhân) – nơi mọi người có thể đăng các thông tin họ thích, như quan điểm, cái nhìn về cuộc sống, kể lại những sự kiện họ vừa chúng kiến… và cho phép người khác vào viết lời nhận xét. Một số blog được phát triển như một dạng nhật ký trực tuyến, nhưng cũng có blog trở thành kênh giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin về các công ty và tổ chức.
Máy ảnh số
Hiện nay, mọi người không còn phải xoay sở làm sao chụp ảnh hạn chế trong 36 kiểu của một cuộn phim. Họ cũng có thể biết được ngay là hình chụp có đẹp hay không mà không cần chờ đến khi rửa ảnh như với các máy ảnh dùng phim.
Camera số hiện được chia làm ba loại. Với mức giá 250 USD, người sử dụng có thể sở hữu các mẫu máy mỏng, nhẹ và dễ sử dụng. Từ 500 USD trở lên là thiết bị tầm trung với độ phân giải cao, ống kính zoom lớn hơn với nhiều tính năng phong phú và khả năng chống rung, chống mờ… Từ trên 1.000 USD, người sử dụng có thể trang bị cho mình máy ảnh D-SLR với kiểu thiết kế SLR (camera phản quang ống kính đơn) truyền thống, ống kính có thể thay đổi được, flash ngoài và nhiều tính năng điều khiển bằng tay.
Thế giới máy tính
Nhiều người băn khoăn liệu có gì khác nhau giữa hệ thống Windows PC và Apple Macintosh. Sản phẩm của Apple đắt hơn nhưng đẹp, dễ sử dụng, ít lỗi và ít gặp các vấn đề về bảo mật như virus hơn hệ thống cài Windows.
Còn nếu dùng máy tính Windows, người sử dụng sẽ quan tâm đến hệ điều hành thế hệ mới Windows Vista, sẽ ra mắt vào cuối tháng 1 để thay thế Windows XP.
Đa số các hệ thống Windows và Mac được tích hợp thiết bị xử lý do Intel sản xuất. Chip mới nhất đang được trang bị trong máy tính là Core 2 Duo dù Intel mới đây đã cho ra mắt chip lõi tứ dành cho máy để bàn và máy chủ.
Theo Vnexpress/The Age