Vietnam Global Team (VGT) đang xếp hạng 42 trên 45.568 đội trên mạng internet tham gia dự án với gần 25 triệu điểm trong tay. Số điểm này là kết quả nỗ lực không ngừng của các team trong VGT.
Với chiếc máy tính thân quen của mình, mỗi ngày folding (tìm và tách bệnh) là mỗi ngày bạn cùng hàng trăm ngàn người khác mọi màu da đang cùng các nhà khoa học tìm ra cách giải quyết các căn bệnh nan giải. Mỗi máy tính cá nhân sẽ giải những phần nhỏ trong bài toán lớn, sau đó tất cả gửi về cho các nhà nghiên cứu để họ tổng hợp lại cho ra kết quả cuối cùng.
VGT – niềm kiêu hãnh của cư dân mạng
Bước đầu, VGT (www.vietnamglobalteam.org) là nơi có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu hướng dẫn folding bằng tiếng Việt, và giải đáp mọi thắc mắc về folding nhanh chóng vì hầu như những thành viên của VGT đều trực tuyến trên mạng suốt 24/24. Họ vừa giúp đỡ các thành viên khác vừa tham gia folding để “giành giật” từng điểm nhằm đưa đội ngũ folding Việt Nam nhích lên từng thứ hạng trong bảng tổng sắp.
Chỉ sau một năm thành lập (dự án bắt đầu từ năm 1999), VGT đang xếp hạng 50 trên 39.371 đội ngũ trên khắp thế giới tham gia dự án này với hơn 8,5 triệu điểm (con số tại thời điểm năm 2005). Số điểm này là nỗ lực không ngừng của các thành viên VGT, nơi tập trung và thu hút thành viên của những diễn đàn khác… Tuấn Anh, một thành viên cho biết: “Để đạt con số 8,5 triệu điểm là điều tưởng như không thể vì bình quân một máy Pentium IV 2.8Ghz nếu foldding một cách thuần tuý suốt 24 giờ sẽ chỉ được khoảng 200 điểm hoặc thấp hơn”.
Với những cống hiến mà đội ngũ VGT đem lại, trường đại học Stanford đã chú ý và thiết lập nên một trang web riêng bằng tiếng Việt để công nhận sự đóng góp của những thành viên người Việt Nam (http://folding.stanford.edu/vietnamese). Hiện nay đội ngũ folding Việt Nam đang tiếp tục tiến lên vị trí hàng đầu châu Á vì đã lần lượt vượt qua các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan… và chỉ còn sau Malaysia.
Tuấn Kenblat, một thành viên VGT nói: “Những máy vi tính chuyên folding là những máy ứng dụng kỹ thuật ép xung – overclock, nhằm tăng công suất máy vi tính, (giống việc đôn dên trong xe gắn máy) giúp cho máy vi tính hoạt động ở một công suất không tưởng nhằm đẩy nhanh quá trình tính toán và xử lý folding.
Chẳng hạn một thành viên đang sử dụng một máy vi tính Pentium IV – đôn dên từ tốc độ 2.8Ghz thành 3.6Ghz hoặc “biến” con CPU Celeron 1.8Ghz thành 4Ghz… Và Overdoze, Việt kiều Mỹ, một trong những người khuấy động phong trào đã chế tạo ra một hệ thống “liên cụm máy vi tính” thành siêu máy tính AMD với tốc độ hơn 10Ghz: bao gồm nhiều máy chạy trên nền Linux với chương trình viết riêng cho folding do anh sáng tạo ra”.
Nhiều bạn trẻ Việt kiều thông qua folding gửi gắm tất cả tấm lòng tự hào vì tên tuổi Việt Nam. Như anh Overdoze, ban đầu đến với folding vì người thân trong gia đình mắc bệnh hiểm nghèo, đến nay khi tuổi đã gần 40 với 5 năm cống hiến cho dự án anh vẫn miệt mài folding và hướng dẫn cho những người mới bắt đầu.
Chia sẻ đam mê và lòng nhân ái
“Tắt các máy folding một ngày, ngồi thừ trước máy tính mà cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó, chắc nghiện mất rồi… Không, tôi sẽ tiếp tục folding!”, tâm sự của một thành viên dự định nghỉ fold vì lý do cá nhân nhưng không thành.
Đa số thành viên của VGT đang sống và làm việc ở Việt Nam, với điều kiện sử dụng máy tính còn khó khăn vì cước internet quá cao, linh kiện máy tính có chất lượng kém (dễ gây hư hỏng toàn bộ hệ thống)… nhưng tập hợp chung trong một diễn đàn VGT thì có rất nhiều ủng hộ từ vật chất đến tinh thần để đoàn kết với nhau. Diễn đàn VGT dần dần vừa là nơi trao đổi kinh nghiệm vừa là nơi tán gẫu tâm sự, kết bạn, giao lưu, bên cạnh là các cuộc đua folding nội bộ giữa các nhóm nhỏ với nhiều giải thưởng có giá trị được tổ chức định kỳ.
Tuấn Anh hồ hởi kể: “Đến với folding người ít hiểu máy tính sẽ thấu hiểu nhiều hơn, người đã giỏi thì ngày càng giỏi hơn vì folding còn là thước đo cho sự ổn định của máy tính, nếu một hệ thống dù đã “ép xung – đôn dên” cao độ nhưng vẫn folding tốt đồng nghĩa với một cấu hình ổn định về mọi mặt dù phải làm việc trong một môi trường khắc nghiệt nhất”. Có vào thăm diễn đàn, mới thấy được những cuộc rượt đuổi ngoạn mục với các đội nhóm trên thế giới và chữ Việt Nam đang leo dốc chinh phục từng ngày… Và điều lắng đọng duy nhất ở diễn đàn VGT chính là việc giúp nhiều bạn trẻ tìm đến với tin học bằng sự chia sẻ niềm đam mê và lòng nhân ái bắt nguồn từ chiếc máy vi tính.
Thành quả từ folding
Sự giúp đỡ của cộng đồng tin học với y học thật sự đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Gần đây nhất, nhờ FAH, đại học Stanford đã lập được sơ đồ nhiễm sắc thể số 5 ở người vốn liên quan đến bệnh như teo cơ tuỷ sống. Nhiễm sắc thể 5 có đến 177,7 triệu cặp nucleotid và là một trong những nhiễm sắc thể dài nhất ở người. Nhờ sơ đồ này, y học sẽ có khả năng tìm ra thuốc và chữa trị cho hàng triệu bệnh nhân bị teo cơ tuỷ sống.
Mỗi một ngày trôi qua, FAH đã và đang cống hiến, minh chứng cho sự kết hợp thành công của công nghệ thông tin và y học vì con người. Và đâu đó vẫn có một phần đóng góp sức lực và trí tuệ của nhiều người Việt trẻ cho nhân loại.
Folding@Home (FAH): do giáo sư Vijay Pande, đại học Stanford (Mỹ) sáng tạo từ năm 1999, sử dụng sức mạnh của máy vi tính để nghiên cứu những căn bệnh bắt nguồn từ sự đột biến của các chuỗi nhiễm sắc thể như ung thư, bò điên, Alzheimer… FAH kết hợp kỹ thuật hiện đại trong sinh học và sức mạnh tập thể của những máy vi tính tình nguyện trên khắp thế giới. Công việc chính của FAH là giả lập những mẫu nhiễm sắc thể có bệnh trên từng máy vi tính. Từ đó máy vi tính sẽ tự động xử lý bằng cách “folding” (tìm và tách bệnh) rồi gửi kết quả về cho Stanford. Đến nay FAH có sự tham dự của hàng triệu máy vi tính trên toàn thế giới, trong đó có Vietnam Global Team (VGT) được xem là một trong những đội nhóm có sức ảnh hưởng lớn sở hữu gần 700 CPU máy vi tính. |
(*) Một số thông tin đã được chỉnh sửa và cập nhật lại cho đúng với thời điểm hiện tại
Theo Tuổi Trẻ