Theo ông Faycal Bouchlaghem, Microsoft luôn hiểu giáo dục là một vấn đề vô cùng quan trọng, đó là nền tảng cho việc hoàn thiện con người và tăng trưởng kinh tế đất nước. Và đó cũng là lý do chính Microsoft đưa ra những cam kết dài hạn trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT-TT vào việc dạy và học nhằm góp phần phát triển hệ thống giáo dục tại Việt Nam.
Sự phát triển khi ứng dụng CNTT vào ngành giáo dục Việt Nam
* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng ứng dụng CNTT vào giáo dục tại Việt Nam?
– Ông Faycal Bouchlaghem: Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay số lượng các trường học được trang bị phòng máy tính còn ít, giáo viên ít ứng dụng CNTT vào việc biên soạn giáo án và dạy học, vẫn còn thiếu sự tương tác với cộng đồng để tạo ra nội dung dùng cho giảng dạy…
Tuy nhiên, điểm hấp dẫn nhất đối với chúng tôi và cũng là điểm mạnh của Việt Nam là mọi người dân Việt Nam đều muốn được học hành, tìm hiểu… Hãy nhìn vào buổi giao lưu của ngài Bill Gates với sinh viên đại học Bách khoa Hà Nội năm 2006, con số 10.000 sinh viên tham dự vượt gấp 3 lần dự đoán của chúng tôi, để thấy rằng CNTT có sức cuốn hút mạnh như thế nào đối với người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Và Microsoft nhìn thấy đây là tiềm năng rất lớn để phát triển.
* Microsoft đã có những chương trình, kế hoạch gì đề hỗ trợ Việt Nam phát huy tiềm năng đó?
– Ông Faycal Bouchlaghem: Tại Việt Nam, chúng tôi đang thực hiện rất nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục hợp tác với nhiều đối tác khác nhau như các chương trình đào tạo kỹ năng CNTT cho giáo viên, áp dụng cách học “lấy sinh viên làm trung tâm”, cung cấp các phần mềm, công nghệ… hiện đại của Microsoft với giá rẻ. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để “mang” CNTT đến với các vùng nông thôn, hẻo lánh.
Cụ thể, Microsoft đang triển khai chương trình Partners In Learning (PiL – Đối tác học tập) nhằm đào tạo kỹ năng công nghệ cho giáo viên và học sinh, hỗ trợ phát triển các chương trình đào tạo, các Trung tâm Học viện CNTT Microsoft. Mục tiêu là trong 5 năm, chương trình PiL sẽ đến với khoảng 50.000 giáo viên và 2 triệu học sinh Việt Nam và tính đến tháng 8/2007, chương trình đã đào tạo được khoảng 25.000 cán bộ giáo dục, giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông những kiến thức về CNTT, khoảng 1 triệu học sinh Việt Nam được thụ hưởng từ chương trình.
Trong khi đó, TOPIC 64 (Training Online Partnership in Information Technology for Communities – 64 Provinces) là chương trình phát triển các trung tâm tin học cộng đồng và hơn 500 trung tâm dạy nghề tại khắp 64 tỉnh thành của Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là tạo cơ hội học tập tốt nhất cho người dân thông qua đào tạo kỹ năng tin học cộng đồng và việc truy cập Internet không dây tốc độ cao 3G. Khởi động vào tháng 4/2006, đến nay, TOPIC 64 đã đào tạo được 10.446 học viên tại 64 tỉnh thành và 70.692 học viên tại 200 trung tâm liên kết với chương trình.
Thông qua những hoạt động trên, chúng tôi có thể đưa những tiện ích của CNTT vào giáo dục để tạo ra môi trường học tập tốt nhất.
* Thưa ông, có sự khác biệt nào giữa việc ứng dụng CNTT vào giáo dục tại những nước đang phát triển và những nước đã phát triển?
– Ông Faycal Bouchlaghem: Ứng dụng CNTT không phân biệt nước đang phát triển và nước đã phát triển, điểm khác biệt duy nhất là cách thức thực hiện, áp dụng như thế nào. Dĩ nhiên ở một nước đang phát triển thì việc ứng dụng CNTT vào giáo dục sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn. Với Việt Nam, việc này có thể mất một khoảng thời gian và hiện Microsoft đang chú trọng đào tạo, phát triển những người mà chúng tôi gọi là “máy cái” – những giáo viên am hiểu CNTT và biết cách ứng dụng CNTT vào dạy học.
* Việc ứng dụng CNTT thông tin vào giáo dục đang dẫn đến xu thế hình thành các “trường học ảo” trên mạng. Việc này đang tạo ra một đối thủ cạnh tranh cho cách học truyền thống?
– Ông Faycal Bouchlaghem: Cần khẳng định CNTT chỉ là một phương tiện phục vụ cho giáo dục chứ không thể thay thế giáo dục. Vì thế, hoàn toàn không có sự cạnh tranh giữa học ảo và học thật. Thêm nữa, như các bạn cũng biết, không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới luôn thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên “chất lượng cao”. Dự kiến đến năm 2015 toàn cầu cần 18 triệu giáo viên thực thụ có chất lượng.
Giáo dục “ảo” giúp mở rộng số lượng người tiếp cận được với môi trường học tập vì linh động được không gian, thời gian của người học và cả giáo viên. Đó là sự hợp tác để cùng phát triển chứ không phải cạnh tranh.
Ông Phạm Mạnh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bưu chính viễn thông và CNTT cho biết: “Từ kết quả ban đầu của các chương trình nhằm phát triển việc ứng dụng CNTT trong giáo dục mà Microsoft đã và đang thực hiện, chúng tôi nhận thấy đây là những chương trình hiệu quả và thiết thực: đưa được những tiện ích của CNTT giúp ích cho giáo dục; góp phần bồi dưỡng, đào tạo tin học, CNTT cho các giáo viên, học sinh; giúp việc ứng dụng CNTT trong giáo dục hiệu quả hơn”. |
Theo Thanh niên online