Khoảng một nửa số đơn vị nước ngoài tham gia triển lãm Vietnam Telecomp & Electronic 2006 là những Doanh Nghiệp mới. Điều đó cho thấy thị trường viễn thông Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn, những đối thủ cạnh tranh cũng sẽ nhiều lên.
Thị trường viễn thông tại Việt Nam
Thị trường viễn thông Việt Nam với hơn 82 triệu dân đang phát triển nóng, cộng với thời điểm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang đến gần, đã đưa Việt Nam trở thành nơi hứa hẹn nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh đối với các công ty ngành điện tử, viễn thông của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Stanley Chu, Chủ tịch Công ty Adsale – một trong ba đơn vị tổ chức, cho biết triển lãm năm nay ghi nhận sự gia tăng mạnh về số lượng DN tham gia. “Hiện đã có hơn 150 công ty đăng ký tham gia Vietnam Telecomp & Electronics 2006, tăng gần 50% so với lần trước, đồng thời số quốc gia và lãnh thổ có DN tham gia cũng tăng từ 18 lên gần 30. Đặc biệt, có đến một nửa số DN nước ngoài lần đầu tiên có mặt tại sự kiện này, một con số kỷ lục kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1992 cho đến nay”.
Gần 15 năm trước, Việt Nam đã mở cửa cho các công ty viễn thông nước ngoài vào đầu tư, nhưng hoạt động của họ cho đến nay chủ yếu là cung cấp thiết bị, tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng mạng rồi giao cho đối tác trong nước khai thác và phân chia lợi nhuận thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Tuy nhiên, khi Việt Nam gia nhập WTO, những hạn chế về quyền kinh doanh dịch vụ viễn thông đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được bãi bỏ dần. Họ sẽ có cơ hội trực tiếp điều hành và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Có lẽ đây là yếu tố chính giúp cho Vietnam Telecomp & Electronics 2006 thu hút được những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nổi tiếng thế giới, như: NTT DoCoMo (Nhật Bản), Alcatel và France Telecom của Pháp, Nortel (Canada), cùng các tập đoàn đến từ Hàn Quốc là Korea Telecom, SK Telecom, LG… Hầu hết những DN này đã có quá trình chuẩn bị cho giai đoạn phát triển hậu WTO tại Việt Nam thông qua các dự án đầu tư theo hình thức BCC.
Sự phát triển của thị trường
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, cộng với yêu cầu phải nâng cao chất lượng để cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ làm tăng nhu cầu đầu tư mở rộng hệ thống mạng. Bộ Bưu chính Viễn thông ước tính, đầu tư cho cơ sở hạ tầng của ngành viễn thông năm 2006 đạt trên 800 triệu USD, trong đó tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chiếm gần hai phần ba. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên trong số các công ty nước ngoài hiện diện ở Vietnam Telecomp & Electronics 2006 phần lớn lại là những nhà cung cấp thiết bị và giải pháp về công nghệ mạng.
Với mong muốn giành được chỗ đứng ở một thị trường đang phát triển mạnh, các nhà sản xuất đều chuẩn bị giới thiệu những sản phẩm và công nghệ mới tại Vietnam Telecomp & Electronics 2006. Hãng Alcatel sẽ giới thiệu cơ sở hạ tầng mạng phục vụ cho truyền tải gói dịch vụ “triple play” (dịch vụ kết hợp thoại, Internet và truyền thông). Theo nhà cung cấp, công nghệ này giúp giảm chi phí, rủi ro và thời gian tiếp cận thị trường. Trong khi đó, mối quan tâm của AnaCom là dịch vụ truyền tải qua vệ tinh. Sản phẩm Kromos của công ty là hệ thống tích hợp truyền tải dữ liệu, thoại trên nền IP (giao thức Internet) cũng như các dữ liệu đa phương tiện khác qua vệ tinh. Công nghệ này giúp nhà cung cấp có thể cung cấp dịch vụ dựa trên nền IP ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bên cạnh đó còn phải kể đến thiết bị và giải pháp truyền tải và chuyển mạch của Loop Telecommunication; thiết bị MileGate NGN của Keymile giúp các nhà khai thác dịch vụ nâng cấp, chuyển đổi dần sang mạng thế hệ tiếp theo; hệ thống viba số điểm – đến – điểm PDH, SDH và công nghệ Ethernet, hệ thống thông tin điểm – đa điểm ứng dụng cho vùng sâu, vùng xa… của Siae Microelettronica. Riêng Siemens muốn giới thiệu những sản phẩm và ứng dụng với mục tiêu tạo ra xu hướng phát triển mới trong viễn thông, như giải pháp mạng thế hệ sau NGN, hội tụ cố định và di động, giải pháp truyền thông cho DN…
Ngoài ra, Vietnam Telecomp & Electronics 2006 còn cho thấy công nghệ mạng không dây tốc độ cao WiMax và các ứng dụng của nó đang có chiều hướng phát triển, khi có khá nhiều tên tuổi lớn tham gia triển lãm cùng quảng bá cho công nghệ và thiết bị này, như: Siemens, Samsung, Motorola, Redline Communications, Siae Microelettronica… Ông Hwan Woo Chung, Phó chủ tịch phụ trách nhóm Mobile WiMax của Samsung, cho biết WiMax không dây giờ đây đã đạt tốc độ cao gần tương đương hệ thống mạng hữu tuyến và đạt tính an toàn cao, vì vậy trong tương lai gần thị trường này sẽ phát triển nhảy vọt.
Tại Việt Nam, Bộ Bưu chính Viễn thông đến nay chỉ mới cấp phép cho bốn DN ứng dụng thử nghiệm công nghệ WiMax cố định, nhưng chỉ mới có VDC triển khai thực hiện. Mới đây FPT tuyên bố sẽ không triển khai thử nghiệm WiMax nữa vì họ nhắm tới WiMax di động, trong khi công nghệ này bộ chưa cho phép triển khai.
Theo TBKTSG