Suốt tuổi thơ, khuyết tật làm cho Nguyễn Khánh Lâm phải đối mặt với vô vàn vất vả làm anh thường xuyên tuyệt vọng và cô đơn. Tuy nhiên, anh đã vượt lên bứt phá mọi rào cản để viết tiếp tương lai cho chính cuộc đời mình bằng những dòng lệnh lập trình.
Chàng lập trình viên vượt lên số phận
Chào đời ngày 24/11/1983 trong thể trạng của một đứa trẻ khỏe mạnh, đến khi 7 tháng tuổi, Nguyễn Khánh Lâm phải đối mặt với căn bệnh sốt bại liệt. Cơn sốt quái ác ấy đã để lại cho anh di chứng liệt mềm toàn thân đến tận bây giờ. Điều đó có nghĩa là anh đã phải chiến đấu với số phận của mình kể từ khi chưa hoàn toàn ý thức được nó sẽ khó khăn đến thế nào. Vậy mà số phận chẳng để yên, tai nạn cách đây 5 năm khiến cho việc khuyết tật của anh Lâm lại càng thêm nặng hơn. Lâm và người nhà của anh đều rất đau buồn không hiểu vì sao số phân lại trớ trêu, đùa cợt với anh.
Nhưng, sự khuyết tật ấy đã đem lại cho Lâm một ý chí thép mà một người bình thường chẳng có được: Từ việc cố gắng di chuyển cơ thể ‘của mình mà dường như lại không phải của mình’ đến những việc cố gắng hoà nhập cộng đồng như tham gia các hoạt động xã hội thường xuyên. Lâm có một hứng thú đặc biệt với SEO và Công nghệ Thông tin (CNTT). Anh chia sẻ rằng mình luôn muốn làm một cái gì đó giúp ích cho đời.
Thấu hiểu ý chí và nghị lực của Lâm, Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế APTECH đã trao cho Lâm suất học bổng toàn phần khoá Lập trình viên.
“Trước kia, mình đã tìm hiểu về CNTT rất nhiều và muốn học tại Hệ thống đào tạo Lập trình viên Quốc tế APTECH từ lâu lắm rồi vì đây là một trong những nơi học lập trình lớn ở Việt Nam nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép nên mình chỉ dám ước mơ, cho đến khi được nhận học bổng toàn phần từ chính nơi này, mình thấy bản thân thật may mắn”, chàng trai Hà Thành xúc động.
Khi đối diện với niềm tuyệt vọng, Lâm chọn cách sống tích cực và phát huy tất cả những khả năng mà mình làm được. Khuyết tật khiến Lâm phải dùng bàn phím ảo, tốc độ gõ chậm hơn bạn bè cùng lớp rất nhiều, nhưng Lâm đã hoàn thành dự án cuối học kỳ I đúng hạn.
Chàng trai Hà thành chia sẻ: “Làm dự án quả thực phải đầu tư rất nhiều thời gian và kiến thức về Công nghệ. Trong quá trình làm dự án, anh cùng các bạn trong lớp đã được thầy Vũ Hữu Phương (giảng viên tại Hệ thống đào tạo Lập trình viên Quốc tế APTECH) hỗ trợ nhiệt tình, nhiều khi thầy còn dành cả thời gian riêng của bản thân để sẵn sàng giúp học viên có thêm kỹ năng làm dự án hiệu quả hơn”.
Khi nhận xét về project của Lâm, thầy Đào Mạnh Thắng – Trưởng nhóm Giảng viên tại Hệ thống đào tạo Lập trình viên Quốc tế APTECH, cơ sở tại 285 Đội Cấn không ngớt lời khen: “Dự án của Lâm được đánh giá cao về sáng tạo và sự đào sâu suy nghĩ. Trong khi các bạn cùng lớp hầu hết làm website giới thiệu sản phẩm, trang tin thì Lâm lại nghĩ theo hướng khác là “Hẹn hò phố”. Khi bảo vệ đồ án, tôi hỏi thêm cả về cách thức tư duy về sản phẩm, Lâm đã rất tỉ mỉ khi thuyết trình từng bước về sản phẩm hoạt động thế nào, đăng thông tin ra sao, xử lý thông tin một cuộc hẹn và thu tiền như thế nào”.
Tấm gương học tập cho nhiều bạn trẻ
Chia sẻ về quá trình được nhập học vào Hệ thống đào tạo Lập trình viên Quốc tế APTECH theo đuổi ước mơ, Nguyễn Khánh Lâm thực sự hứng thú vì khi học tại đây, bạn được tiếp cận rất nhiều Công nghệ mới theo xu thế. “Ở trường đang dạy chương trình ACCP 2017, đây là một chương trình học mới lạ và hấp dẫn. Bản thân mình đã ngồi 1 chỗ, không đi thực tập thường xuyên để cập nhật xu hướng mới, nhưng ở đây mình vừa được cập nhật công nghệ mới lại vừa được làm các dự án mỗi kỳ. Điều đó làm cho mình cảm thấy thực sự may mắn khi vừa nhận được học bổng lại vừa được học đúng trường, đúng chuyên môn”.
Dự định trong tương lai gần của Lâm là tốt nghiệp Hệ thống đào tạo Lập trình viên Quốc tế APTECH, sử dụng kiến thức được học để lập ra một nhóm người khuyết tật làm về SEO, website cho các công ty vừa và nhỏ.
Nguyễn Khánh Lâm trở thành một tấm gương sáng điển hình của những người khuyết tật vượt lên số phận. Hỏi Lâm có châm ngôn sống nào bạn tâm đắc nhất, bạn chỉ cười và nói: “Tôi không có châm ngôn sống nào là cố định, nhưng tôi luôn tâm niệm rằng dù bản thân thật khó trở thành người đầu tiên hay dẫn đầu, nhưng trở thành người sau cùng ở lại với những gì mình dày công vun đắp là điều chắc chắn tôi sẽ làm”.
|