Tỷ lệ “nhảy việc” trong các doanh nghiệp phần mềm có thể lên đến mức báo động, kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng. Đặc biệt khi ngành phần mềm có dấu hiệu tăng trưởng khả quan, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt cơ sở làm PM tại Việt Nam.
Trong những năm trở lại đây, “Xu hướng” nhảy việc đã ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ các doanh nghiệp mà còn đến bản thân những nhân viên thường xuyên nhảy việc. Vậy đâu là lý do khiến nhân viên lựa chọn nhảy việc thay vì có được công việc ổn định?

Báo động tình trạng nhảy việc
Tờ tin nội bộ của công ty FPT số tháng 3/2007 đã nêu lên hiện tượng nhân viên “dứt áo ra đi”. Bài viết phân tích tình trạng nhân viên FPT nghỉ việc đang có xu hướng tăng. Cụ thể, tỷ lệ nghỉ việc của công ty phần mềm FPT (FPT Software) hiện nay là 10%, tăng so với mức 8% của năm 2006.
Qua thông tin từ các doanh nghiệp phần mềm, đây là vấn đề không chỉ của riêng FPT. Nhiều công ty PM phản ánh tình trạng nhân viên nghỉ việc tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Ông Phạm Thúc Trương Lương, Giám đốc công ty công nghệ Tinh Vân cho biết “tuy chưa đến mức báo động nhưng tỷ lệ nghỉ việc của công ty Tinh Vân đang gia tăng khá nhanh, hiện ở mức trên 10%. Đặc biệt, tỷ lệ này phát triển đáng ngại ở một số thời điểm như vào dịp kết thúc năm học”. Ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc tiếp thị công ty phần mềm TMA cho hay “tỷ lệ nhân viên nghỉ việc của TMA cũng đang tăng như một xu hướng không thể tránh”.
Theo các doanh nghiệp PM, tỷ lệ nghỉ việc cao gây ra những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Trực tiếp là tăng chi phí tuyển dụng, tuyển chọn và chi phí đào tạo tính trên đầu người. Ảnh hưởng gián tiếp là làm tăng khối lượng công việc cho những người ở lại, giảm năng suất lao động, đặc biệt có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền, dẫn đến tình trạng nhân viên ra đi hàng loạt.
Với các công ty PM, vấn đề này đặc biệt đáng ngại. Ông Lương cho biết, “do chất lượng đầu vào nhân lực không cao, để nhân viên mới quen với công việc ít nhất cũng mất khoảng 2 tháng, để làm việc trơn tru phải tốn thêm vài tháng nữa. Nếu trong vòng một năm đầu tiên, nhân viên đó nghỉ việc thì gần như công ty phải gánh chịu chi phí 5 tháng học việc và thử việc. Đặc biệt khi nhân viên là người có vị trí then chốt nghỉ việc sẽ kéo theo hàng loạt hệ quả khác. Công sức để tìm kiếm người thay thế rất tốn kém, bởi đối tượng này tìm kiếm giờ không dễ. Vấn đề này còn tệ hơn khi nhân viên then chốt đó lại chuyển sang một công ty đối thủ thì doanh nghiệp không chỉ mất chi phí tìm người thay thế mà còn mất đi lợi thế cạnh tranh”.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp PM bắt đầu chú ý đến vấn đề này. FPT Software cho biết “họ theo dõi rất sát sao tỷ lệ nghỉ việc, coi đó là một trong 6 chỉ số then chốt để đánh giá “tình trạng sức khoẻ” của các phòng ban và của toàn công ty.
“Giữ chân nhân viên quan trọng nhất vẫn là vật chất”
Có vô vàn lý do nhân viên rũ áo ra đi. Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân ra đi nhiều nhất là do nhu cầu học lên cao và chuyển công tác do mức lương cao hơn. Thống kê của FPT Software cho thấy nguyên nhân này chiếm tới 70% lý do nghỉ việc tại công ty.
Ngoài ra còn nhiều lý do khác như muốn thay đổi cho đỡ nhàm chán, ra đi mở công ty riêng, không được tin tưởng, thậm chí là không hợp với sếp hay công ty đánh giá không khách quan, thiếu công bằng. Bên cạnh đó, nhân viên cũng sẽ ra đi nếu không được hứa hẹn, không được động viên, không được đào tạo và chỉ rõ con đường thăng tiến trong nghề nghiệp.
Do số lượng nhân lực chất lượng có giới hạn, các doanh nghiệp đều cố tìm cách giữ chân nhân viên. Nói chung các công ty đều nhấn mạnh đến môi trường làm việc (chuyên nghiệp, năng động, thân thiện, có cơ hội thăng tiến và được đào tạo), văn hoá công ty và đặc biệt chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Bên cạnh việc tăng lương, rất nhiều công ty PM đã có chính sách trao quyền sở hữu công ty (cổ phiếu) cho nhân viên.
Theo ông Phạm Thúc Trương Lương, mức chênh lệch lương có thể thấp hơn khoảng 20% nhân viên vẫn có thể ở lại nếu có môi trường làm việc hấp dẫn. Nhưng ông Lương cũng thừa nhận “giữ chân nhân viên quan trọng nhất vẫn là vật chất, tinh thần cũng chỉ lấp được phần nào”. Chính vì vậy bên cạnh việc tăng lương, rất nhiều công ty PM đã có chính sách trao quyền sở hữu công ty (cổ phiếu) cho nhân viên.
Tuy nhiên, ở góc nhìn rộng của ngành PM, các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam phải sớm có giải pháp cho vấn đề này. Theo ông Trần Phúc Hồng, cách căn bản nhất cho vấn đề này là phải tăng thêm đầu vào cho thị trường nhân lực. Nếu không sớm tăng thêm nguồn nhân lực, ngành PM Việt Nam sẽ nhanh chóng mất đi lợi thế nhân công giá rẻ.
Theo Bưu điện VN